Sáng 24/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban để đánh giá về công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số thời gian qua; các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số, phát triển kinh tế số năm 2024 và thời gian tới.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại các điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số chỉ đạo Phiên họp
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang- Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban); các đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; Lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, DN lớn về công nghệ thông tin.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh- Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam; các Phó Tổng Giám đốc: Trần Đình Liệu, Lê Hùng Sơn, Đào Việt Ánh; Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Ngành tham dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh tham dự Phiên họp tại Điểm cầu trụ sở BHXH Việt Nam
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2024- năm bứt phá trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Nhiệm vụ tập trung là thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Chú trọng 3 đột phá chiến lược gồm: Thể chế, trong đó có thể chế liên quan đến chuyển đổi số; nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó trọng tâm là nhân lực phục vụ chuyển đổi số; kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng số.
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, nhất là đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách (như dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới…) và thanh toán không dùng tiền mặt.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách người có công, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có chi trả trợ cấp cho các đối tượng chính sách không dùng tiền mặt.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là khâu đột phá, một nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đi lại… cho người dân và DN. Càng số hóa mạnh mẽ, như đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thì càng tăng cường công khai, minh bạch, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, Ủy ban phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao công tác chuyển đổi số quốc gia, bảo đảm hiệu quả và thực chất.
Thủ tướng cho biết, Kế hoạch hoạt động năm 2024 Ủy ban đã xác định trọng tâm của chuyển đổi số quốc gia với chủ đề Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số-Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tập trung thảo luận đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, rào cản, điểm nghẽn và nguyên nhân; Chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn. Bài học kinh nghiệm là gì, các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số, nhất là các giải pháp mang tính đột phá.
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết, thời gian qua công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số; chủ trì họp về tháo gỡ vướng mắc về bố trí, sử dụng kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06-CP.
21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024. 19 bộ, cơ quan ngang bộ; BHXH Việt Nam và 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06-CP. 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023.
Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các CSDL quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, khai thác tối đa giá trị của dữ liệu.
Theo đó, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và 4 DN; đồng bộ thành công trên 268 triệu thông tin người dân; tiếp nhận hơn 1,5 tỷ yêu cầu xác thực thông tin (tăng 213 triệu so với năm 2023). Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia đã kết nối với 388 hệ thống, cơ sở dữ liệu của 95 cơ quan, đơn vị tham gia kết nối. Trung bình mỗi ngày khoảng 2,8 triệu giao dịch. Tổng số giao dịch tới nay là khoảng 2 tỷ giao dịch.
Về phát triển hạ tầng số, hiện nay có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng. 100% xã kết nối internet cáp quang. Di động băng rộng 4G được phủ sóng tới 99,8% dân số với chất lượng ổn định. Bộ TT-TT đã tổ chức đấu giá tần số 5G đối với 2 khối băng tần và sắp tới sẽ đấu giá thêm 1 khối.
Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN có 80,44% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC mới chỉ đạt khoảng 38,3%.
Về phát triển kinh tế số, Bộ TT-TT cho biết, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chip; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. Đã có 29,3 triệu lượt truy cập.
100% các cơ sở KCB có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 100% cơ sở đào tạo y tế thanh toán học phí không dùng tiền mặt; khoảng 64% người dân hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp ở khu vực đô thị nhận qua tài khoản cá nhân...
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, các địa phương đã phân tích, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác CĐS; chia sẻ kinh nghiệm, chỉ rõ những nội dung mới, cấp bách mà các bộ, ngành, địa phương cần phải triển khai thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống xã hội.
Phát biểu chỉ đạo Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương kết quả đạt được trong hoạt động chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương, các Ủy ban thành viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, sự đồng lòng ủng hộ của người dân, DN; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy, các thành viên Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn các nhiệm vụ phải có trọng tâm, trọng điểm, có kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt “3 tăng cường” gồm: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chuyển đổi số đến từng người dân, từng DN, nhất là người đứng đầu các tổ chức, đơn vị. Tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số- xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần phải ưu tiên bố trí nguồn lực và tăng cường hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt, huy động mọi nguồn lực xã hội để cho phát triển và chuyển đổi số.
Bên cạnh “3 tăng cường”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt “5 đẩy mạnh” gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực, kỹ năng số, công dân số đáp ứng yêu cầu phát triển và đẩy mạnh an ninh, an toàn mạng, thông tin nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Trên cơ sở “3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” đã được xác định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt, hành động mạnh mẽ, thực chất các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch hành động, chương trình chuyển đổi số, bảo đảm mỗi nhiệm vụ được triển khai phải mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Hà Thủy