Ngày 24/4, Đoàn ĐBQH một số tỉnh, thành phố đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với đoàn viên, công nhân, NLĐ.
Tại Hải Dương
Đoàn ĐBQH, Lãnh đạo HĐND tỉnh Hải Dương tiếp xúc, đối thoại với khoảng 400 đoàn viên, công nhân, NLĐ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 8 lĩnh vực thuộc thẩm quyền Trung ương giải quyết, tập trung vào các nội dung như sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng mở rộng quyền lợi, chế độ đối với người tham gia BHXH tự nguyện; đề nghị Nhà nước có giải pháp về tiền lương, tăng lương tối thiểu vùng phù hợp với sự phát triển của thị trường, giá cả và nhu cầu lao động; cần có quy định cụ thể hơn về thời gian các đợt nghỉ giải lao cho NLĐ; đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng của TP.Chí Linh từ vùng 3 lên vùng 2 để thu hút đầu tư và bảo đảm đời sống NLĐ vì hiện tại NLĐ ở TP.Chí Linh vẫn hưởng lương tối thiểu vùng 3…
Tại buổi đối thoại, có 37 lượt ý kiến, nhóm ý kiến, trong đó có 6 vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Trung ương, còn lại 38 vấn đề của tỉnh, tập trung vào các nội dung về chính sách tiền lương, BHXH, chế độ cho lao động nữ, nhà ở xã hội cho công nhân, an toàn giao thông… Anh Dương Văn Chính- đại diện công nhân Công ty CP Xây dựng chịu lửa Burwitz (TP.Hải Dương) nêu ý kiến, hiện nay giá cả hàng hóa tăng cao nhưng mức lương tối thiểu của NLĐ nhận được chưa đủ cho nhu cầu tối thiểu. Rất ít lao động có tiền tích lũy để mua nhà ở xã hội. Đề nghị Nhà nước sớm tăng lương tối thiểu vùng ở mức phù hợp để đời sống công nhân bớt khó khăn.
Chị Nguyễn Hồng Thủy (Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ- Sở Khoa học công nghệ Hải Dương) băn khoăn về cách tính lương của NLĐ từ ngày 1/7 theo chương trình cải cách tiền lương.
Liên quan đến BHXH, chế độ tiền lương, ông Bùi Quốc Trình- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết hiện tại Bộ LĐ-TB và XH đang tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo tờ trình, nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với NLĐ làm việc hợp đồng theo tháng và theo giờ. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng sẽ tăng khoảng 6%. Về mức lương tối thiểu vùng, Sở LĐ-TB và XH đã họp bàn, xin ý kiến UBND tỉnh trình phương án điều chỉnh và sớm gửi Bộ LĐ-TB&XH phương án thay đổi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Văn Hiệu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định những vấn đề NLĐ đề xuất, có ý kiến ở tầm Trung ương, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu và sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét. Đồng thời, yêu cầu LĐLĐ tỉnh rà soát những thắc mắc của NLĐ đã ghi nhận trước đó và những ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội nghị để tổng hợp gửi Thường trực HĐND tỉnh xem xét trả lời. Những vấn đề liên quan đến NLĐ, nếu DN không giải quyết được, công nhân có thể kiến nghị lên các cơ quan thẩm quyền cấp trên hoặc LĐLĐ tỉnh, Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh có trách nhiệm tiếp thu và trao đổi với NLĐ.
“Thực tế tại Hải Dương có nhiều lao động lớn tuổi, cống hiến nhiều năm nhưng DN lại tìm cách sa thải. NLĐ cần đưa ra được những thỏa ước lao động tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình, nhất là chế độ cho lao động lớn tuổi. Các cấp công đoàn, DN Hải Dương cần đặc biệt quan tâm tới ATVSLĐ; sớm đầu tư các thiết chế công đoàn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Thanh tra Sở LĐ-TB&XH giám sát, kiểm tra chặt chẽ để xử phạt nghiêm những doanh nghiệp không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ…”- ông Hiệu yêu cầu.
Tại Đắk Lắk
Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân lao động trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, Đoàn ĐBQH đã thông tin đến cử tri dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đến nay.
Sau khi nghe báo cáo, các cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động đã trình bày những kiến nghị tập trung vào các nội dung chính về BHXH, tiền lương, nhà ở, phúc lợi cho NLĐ... Cụ thể, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh TP.Buôn Ma Thuột từ vùng III lên vùng II, để tiền lương và tiền đóng BHXH của NLĐ được nâng lên, NLĐ an tâm công tác, gắn bó với DN. Nhà nước quan tâm xem xét, có chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ bán trả góp hoặc cho công nhân lao động vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp để mua nhà ở nhằm ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất; giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với một số nhóm lao động đặc thù như giáo viên mầm non, công nhân trực tiếp sản xuất trong các ngành độc hại, nặng nhọc... Bên cạnh đó, cần có chế tài đủ mạnh để xử lý những đơn vị, doanh nghiệp không quan tâm các quy định của pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật ATVSLĐ…
Cử tri Lương Mạnh Hùng (Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên) mong muốn, Quốc hội tạo điều kiện để đoàn viên, NLĐ có tham gia BHYT được thanh toán khi đi KCB ở các cơ sở y tế ngoài giờ hành chính và KCB ban đầu ở tất cả các cơ sở y tế. Còn cử tri H’Lem Niê (công nhân, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk) chia sẻ, làm nghề cạo mủ cao su làm công việc nặng nhọc, cao điểm có khi làm từ 1 giờ sáng- 12 giờ với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Vì vậy, Quốc hội cần đề ra những chính sách để hỗ trợ tiền lương, phúc lợi cho những lao động làm công việc nặng nhọc.
Tại buổi tiếp xúc, bà Lê Thị Thanh Xuân- Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cảm ơn các ý kiến tâm huyết, thiết thực, thể hiện trách nhiệm của cử tri. Đồng thời, trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà cử tri quan tâm và khẳng định các ý kiến sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh và các cấp, các ngành tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền sớm giải quyết theo quy định.
Nguyệt Hà