Theo đánh giá, nguyên nhân các vụ TNLĐ chủ yếu xuất phát từ phía người SDLĐ, ngoài ra còn do NLĐ chủ quan, vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ.
Trước vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng làm 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương tại Công ty Xi măng Yên Bái (trực thuộc Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái), Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái và Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khẩn trương hỗ trợ, giải quyết chế độ TNLĐ cho các nạn nhân và gia đình trong vụ tai nạn nghiêm trọng. Đồng thời, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình nạn nhân, chia sẻ những khó khăn, mất mát. Hỗ trợ giải quyết kịp thời chế độ TNLĐ cho người bị nạn và thân nhân người bị nạn theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về ATLĐ, vệ sinh lao động tại các DN trên địa bàn, kịp thời xử lý các vi phạm.
Cùng với đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra TNLĐ. Khẩn trương khắc phục hậu quả vụ tai nạn, khôi phục và ổn định sản xuất kinh doanh. Nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ và giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách cho người bị nạn và thân nhân người bị nạn theo quy định. UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời báo cáo kịp thời về Bộ theo quy định.
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức bảo vệ hiện trường, đưa người bị thương đi cấp cứu, chuyển thi thể các nạn nhân tử vong ra ngoài; đồng thời, chỉ đạo sớm điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Trước mắt, tỉnh Yên Bái và Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình nạn nhân tử vong 228 triệu đồng; 56 triệu đồng với mỗi người bị thương.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ làm 7.553 NLĐ gặp nạn. Trong đó, số vụ TNLĐ chết người là 662 vụ với 699 người (giảm 7,29%); số người bị thương nặng là 1.720 (tăng 4,43%). Thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động, thiệt hại về vật chất từ các vụ TNLĐ (chi phí thuốc thang, mai táng, bồi thường cho gia đình nạn nhân…) là trên 16.357 tỉ đồng- tăng khoảng 2.240 tỉ đồng so với năm 2022. Thiệt hại về tài sản ước tính trên 722 tỉ đồng, tăng khoảng 454 tỉ đồng. Phân tích từ các biên bản điều tra TNLĐ chết người thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía người SDLĐ- chiếm 46,05% tổng số vụ và 4,37% tổng số người chết.
Theo các chuyên gia về ATLĐ, chỉ cần người SDLĐ thực hiện tốt nghĩa vụ bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc cho NLĐ thì sẽ phòng ngừa được trên 90% vụ TNLĐ. Điều này phụ thuộc vào sự quan tâm, nhận thức, mức độ đầu tư của chủ DN. Bởi lẽ, qua thời gian sử dụng lâu dài, các dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị sẽ hư hại, lạc hậu. Để đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm an toàn, có thể ngăn ngừa các rủi ro là cả một bài toán khó về chi phí đối với DN. Chính vì vậy, để giảm thiểu TNLĐ, DN phải chủ động thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch ATVSLĐ. Các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt cần phải được kiểm định an toàn, có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên và kiểm tra trước khi vận hành, nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên đánh giá các điều kiện về ATVSLĐ như nhiệt độ, bức xạ, ánh sáng…; có giải pháp cải thiện để xây dựng môi trường làm việc an toàn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định khởi tố vụ án Vi phạm quy định về an toàn lao động; khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Mạnh Hùng (SN 1980, trú phường Yên Thịnh, TP.Yên Bái, nhân viên cân băng liệu của Nhà máy Xi măng Yên Bái) về tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động”.
Đồng thời, Công an tỉnh Yên Bái cũng đang điều tra mở rộng vụ án, làm rõ hành vi phạm tội của Trần Mạnh Hùng cũng như những vi phạm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Nguyệt Hà