Đề xuất từ BHXH Việt Nam và chuyên gia y tế về kéo dài thời gian tái khám định kỳ đối với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, thay vì quy định bắt buộc tối đa 30 ngày như hiện nay, đã nhận được sự đồng tình của người dân. Bởi, việc này mang lại lợi ích cho cả người bệnh và cơ sở KCB.
Suốt 18 năm qua, mỗi tháng một lần, bà M. (Hải Phòng) lại lên BV Nội tiết Trung ương khám và lấy thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. “Tháng nào cũng phải sắp xếp đi lại, rồi chờ đợi khám và lấy thuốc; quay trở về nhà cũng mất cả ngày. Việc đi lại thế này còn tốn kém nhiều hơn tiền thuốc, nhưng tôi vẫn phải thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ. Nếu được kéo dài 2-3 tháng thì thuận tiện hơn rất nhiều…”- bà M tâm sự.
Anh T. (Thanh Liêm, Hà Nam) cũng cho biết, bố anh đã cao tuổi, nên hằng tháng người nhà phải “tháp tùng” bố lên BV tái khám. “Bác sĩ phải khám đúng người mới chịu cấp thuốc. Mà mỗi lần lên là phải chờ đợi cả buổi sáng, do bệnh nhân đông quá. Mà cả năm nay, thuốc cấp cho bố tôi hầu như không thay đổi liều lượng, chỉ dao động một chút vào những thời điểm có chút thay đổi về sinh hoạt hoặc ông thấy sức khỏe mình kém hơn...”- anh T. chia sẻ.
Không chỉ ở BV tuyến Trung ương, mà ngay với bệnh nhân đang được theo dõi tại BV tuyến huyện cũng gặp không ít khó khăn khi phải tái khám hằng tháng. Theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người bệnh BHYT được miễn phí 100% chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở (thấp hơn 270.000 đồng). Tuy nhiên, hầu hết người bệnh tái khám được chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng cần thiết như xét nghiệm nước tiểu, điện tim (bệnh tiểu đường); đo huyết áp, điện tim (bệnh tăng huyết áp); hay như xét nghiệm sinh hóa máu, huyết học… thì chi phí đơn thuốc luôn vượt con số 270.000 đồng, khiến nhiều người gặp khó khăn về tài chính.
Phản hồi bài viết của Tạp chí BHXH về vấn đề này, PGS-TS.Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc BV ĐH Y Hà Nội chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của những người bác sĩ là “chữa khỏi” cho bệnh nhân của mình. Tuy nhiên, có những bệnh không thể không quay lại tái khám định kỳ, mà chúng ta thường gọi là bệnh mạn tính hay mãn tính. Trong số các bệnh này có một nhóm chiếm đại bộ phận đó là các bệnh không lây nhiễm (non-communicable diseases) như tăng huyết áp, đái tháo đường, COPD... Đối với những bệnh này, chúng ta chỉ có thể kìm hãm sự phát triển, giảm các triệu chứng và hạn chế các biến chứng của bệnh hay thuốc điều trị gây ra. Chính vì vậy, thước đo hiệu quả là giảm thời gian nhập viện, tìm được phác đồ ổn định lâu dài cho từng bệnh nhân. Điều phi lý là khi bắt buộc bệnh nhân phải tái khám mỗi tháng một lần để lĩnh thuốc BHYT. Đây là thiệt hại cả về phía bệnh nhân cũng như nguồn lực của xã hội...”.
Được biết, những năm gần đây, nhiều quốc gia đã cân nhắc kéo dài thời gian kê đơn thuốc. Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, từ năm 2023, BHXH Việt Nam đã 2 lần kiến nghị Bộ Y tế về thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho nhóm bệnh nhân này đủ sử dụng tối thiểu 60 ngày, tối đa không quá 90 ngày, thay vì 30 ngày theo quy định hiện hành. Đề xuất này dựa trên ý kiến chuyên môn, nhất là trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế cũng đã triển khai kê đơn thuốc 3 tháng/lần đối với một số bệnh mạn tính và không có phát sinh biến chứng.
Thái An