Hiệu trưởng các trường y trên toàn Hàn Quốc vừa đồng loạt kêu gọi chính phủ của Tổng thống Yoon Suk Yeol không tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y cho năm tới và cần thảo luận về việc tăng chỉ tiêu trong tương lai với cộng đồng y tế thông qua một cơ quan tư vấn chung.
Theo đề xuất của Hiệp hội các trường đại học và cao học Y khoa Hàn Quốc (KAMC), hạn ngạch tuyển sinh vào trường y cho năm 2025 nên được "đóng băng" và một cơ quan tư vấn nên được thành lập với cộng đồng y tế để bàn thảo rồi đưa ra hạn ngạch tuyển sinh một cách khoa học cho năm 2026 cũng như những năm sau đó.
Đề xuất của KAMC được đưa ra trong bối cảnh chính phủ và cộng đồng bác sĩ ở Hàn Quốc chưa tìm ra được giải pháp đột phá nào trong làn sóng đình công kéo dài 2 tháng qua của hơn 10.000 bác sĩ nhằm phản đối việc chính phủ thúc đẩy tăng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa thêm 2.000 suất bắt đầu vào năm tới từ mức 3.058 suất hiện tại.
Cuộc đình công bắt đầu từ ngày 20/2, khiến hệ thống y tế của Hàn Quốc bị gián đoạn nghiêm trọng, bởi lực lượng bác sĩ thực tập và bác sĩ nội trú đóng một vai trò quan trọng ở các bệnh viện lớn, đặc biệt là trong các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và công tác cấp cứu. Cuộc khủng hoảng càng trở nên nghiêm trọng khi có tới hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh và bác sĩ nội trú của Hàn Quốc bỏ nhiệm vụ tại các bệnh viện đa khoa để phản đối quyết định của chính phủ. Hưởng ứng phong trào, nhiều giáo sư y khoa của các trường đại học y hàng đầu xứ sở kim chi cũng bắt đầu nộp đơn từ chức và tuyên bố chỉ đàm phán nếu chính phủ bãi bỏ kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Thống kê hồi cuối tháng 3 cho thấy, làn sóng đình công đã khiến 5 bệnh viện lớn của Hàn Quốc- được gọi là Big 5 phải gánh chịu mức thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ won mỗi ngày. Rơi vào cảnh thiếu nhân lực, các bệnh viện đành gộp các bước của quy trình chữa bệnh, sáp nhập các khoa và giảm số phòng cấp cứu. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế còn phải kéo giãn thời gian trị bệnh, giảm tiếp nhận bệnh nhân và phân bổ lại cơ cấu nhân sự.
Nhằm giảm thiểu tình trạng gián đoạn của hệ thống y tế, Bộ Y tế Hàn Quốc quyết định huy động thêm trợ lý bác sĩ đến các bệnh viện. Theo bộ này, tính đến cuối tháng 3 đã có 8.982 trợ lý bác sĩ làm việc tại 375 bệnh viện đa khoa trên toàn quốc, và chính phủ dự kiến bổ sung 2.715 trợ lý bác sĩ để nâng tổng số lên khoảng 12.000 người. Để đạt được mục tiêu đó, chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ triển khai các chương trình giáo dục và đào tạo chuyên sâu cho họ bắt đầu từ tuần tới. Được gọi là chuyên viên y tá lâm sàng hay y tá phòng mổ, các trợ lý bác sĩ này thường đảm nhận một phần nhiệm vụ của bác sĩ tập sự tại các cơ sở y tế, như tiến hành xét nghiệm và tham gia hỗ trợ phẫu thuật.
Trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng y tế kéo dài, chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất đối thoại với cộng đồng bác sĩ bằng cách thành lập một ủy ban đặc biệt của Tổng thống về cải cách y tế, đồng thời cho phép các trường đại học quyết định chỉ tiêu của họ trong khoảng 50-100% so với mức chính phủ giao cho năm tới. Tuy nhiên, các bác sĩ đã từ chối đề xuất và yêu cầu đàm phán trực tiếp với chính phủ.
Hiệp hội bác sĩ Hàn Quốc (KMA) lập luận rằng việc tăng chỉ tiêu theo kế hoạch sẽ làm tổn hại đến chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đồng thời tạo ra tình trạng dư thừa bác sĩ. Chính phủ cần có biện pháp bảo vệ bác sĩ hiệu quả hơn khỏi các vụ kiện sơ suất và tăng mức bồi thường để khuyến khích bác sĩ đến hành nghề ở những khu vực khó khăn thay vì tăng số lượng bác sĩ một cách bất hợp lý.
Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, xu hướng dân số già đi nhanh chóng cùng một loạt các vấn đề khác sẽ khiến nước thiếu 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Chính phủ Hàn Quốc cho rằng để giải quyết bài toán nan giải này thì cách tốt nhất là tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y.
Ngọc Tuấn