Đây là chủ đề Tọa đàm do Báo Kinh tế& Đô thị cùng Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam tổ chức sáng 23/4/2024.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay cả nước có tổng số hơn 33 triệu lao động phi chính thức, trong đó chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, 1,9% đóng BHXH tự nguyện, còn lại 97,9% không tham gia loại BHXH nào dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ NLĐ.
Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động. Bởi, lao động khu chính thức lại chưa được hưởng các chính sách, chế độ an sinh xã hội cơ bản như BHXH, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN, giờ lao động và chế độ nghỉ ngơi, nghỉ phép, ốm đau, thai sản… Trong khi đó, lao động khu vực phi chính thức hiện đang giữ vị trí, vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo.
Ông Tạ Việt Anh- Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hỗ trợ Chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam (AFV), sau 15 năm thực hiện chính sách BHXH tự nguyện, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,45 triệu người, con số này còn khiêm tốn. Lý do là lao động khu vực phi chính thức chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, điều kiện và thu nhập đảm bảo tham gia BHXH tự nguyện không nhiều. Hiện những người tham gia BHXH tự nguyện mới có hai chế độ hưu trí và tử tuất. Những rào cản về chính sách khiến NLĐ đắn đo khi tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện. Điều này dẫn đến tình trạng “lọt lưới an sinh” ở phần không nhỏ NLĐ. Điều đó đồng nghĩa với việc họ phải chịu rất nhiều thiệt thòi vì không được bảo vệ đầy đủ với hệ thống pháp luật về lao động.
Qua 7 năm thực hiện, Luật BHXH năm 2014 đạt nhiều kết quả nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như diện bao phủ còn thấp so với tiềm năng. Đến nay, số người tham gia BHXH mới đạt trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, việc nâng tỷ lệ lên 60% vào năm 2030 là thách thức không nhỏ. Tình trạng trốn đóng BHXH còn phổ biến, bình quân trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng quyền lợi người lao động... Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật BHXH năm 2014. Có thể thấy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở đó, Dự thảo Luật cụ thể hóa quy định các nội dung lớn như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu; vấn đề hưởng BHXH một lần; về chi phí quản lý BHXH; bổ sung quy định nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Tại Tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Thọ- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến lao động khu vực chưa chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Trước hết, là do thu nhập của NLĐ khu vực phi chính thức bấp bênh, không ổn định. Người dân thường chú trọng quan tâm những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hàng ngày mà chưa chú trọng an sinh bền vững sau này, do đó ít tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý ăn sâu vào tiềm thức là “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên chưa hình thành được văn hoá tự đảm bảo an sinh xã hội thông qua đóng góp, tích luỹ khi trẻ để thụ hưởng lương hưu, BH khi về già.
Đồng thời, ông Thọ cũng thẳng thắn chỉ ra, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia BHXH tự nguyện. Trong khi đó, điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu còn dài làm giảm tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện cũng khiến một bộ phận người dân nản lòng. Hơn nữa, việc bổ sung các chế độ BHXH ngoài chế độ hưu trí, tử tuất đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ NSNN, nhưng trong điều kiện hiện nay là khó khăn do khả năng cân đối của ngân sách. Ngoài ra, các thông tin sai lệch về chính sách, chế độ BHXH lan truyền trên các trang mạng xã hội cũng gây dao động trong việc tạo động lực tham gia BHXH tự nguyện của một bộ phận người dân.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chính thức và lao động phi chính thức thông qua các giải pháp như: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH tự nguyện với nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu bằng nhiều hình thức, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng và từng thời điểm. Cùng với đó, chủ động rà soát cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, làng nghề để xác định người tham gia tiềm năng; đồng thời căn cứ vào danh sách các đơn vị chênh lệch lao động tham gia BHXH do cơ quan thuế cung cấp, tiến hành rà soát, yêu cầu đơn vị thực hiện nghiêm túc chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ theo quy định, trường hợp không thuộc người tham gia bắt buộc thì sẽ tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh CCTTHC, ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện.
Cùng với đó, các đại biểu thống nhất quan điểm, để phát triển tốt hơn nữa số người tham gia BHXH tự nguyện, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, nhất là ban hành những quy định bổ sung chế độ cho người tham gia BHXH tự nguyện như: Có hệ thống giải pháp đồng bộ, thay vì chỉ trông chờ vào việc Nhà nước tăng mức hỗ trợ, để hấp dẫn NLĐ khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, cần cân nhắc việc thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với NLĐ khu vực phi chính thức…
V.Thu