Ngày 16/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Ông Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) và bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chủ trì Hội thảo.
Tạo nguồn tài chính bền vững chăm sóc sức khỏe người dân
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách BHYT. Đồng thời cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, chính sách BHYT từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong việc lựa chọn tài chính y tế thông qua BHYT, cũng như thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân...
Ông Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
Bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế và ngành BHXH Việt Nam, còn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của các bộ, ban ngành và UBND các cấp. Vì thế, công tác BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể: Tỷ lệ bao phủ BHYT gia tăng nhanh chóng, tới năm 2023 đã đạt 93,35% dân số, tương ứng với trên 93,307 triệu người tham gia BHYT. Tính tới 31/12/2023, toàn quốc có 174,8 triệu lượt người KCB BHYT với số tiền do quỹ BHYT chi trả khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng...
Cùng với đó, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ KCB BHYT ngày càng thuận lợi. Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng lãnh đạo Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) và Vụ BHYT (Bộ Y tế) chủ trì Hội thảo
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014 có một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, những thay đổi trong các quy định về KCB của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trình Quốc hội đòi hỏi cần phải tổng kết, đánh giá và sửa đổi, bổ sung Luật BHYT để phù hợp với các quy định mới của hệ thống pháp luật và thực tiễn.
Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về dân số và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cùng với đó, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu điều trị ngày càng tăng và khuynh hướng điều trị đòi hỏi theo xu hướng tiên tiến để bảo đảm quyền bình đẳng mọi người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; được bình đẳng về trách nhiệm tham gia và quyền lợi được hưởng trong KCB BHYT và tiếp cận các dịch vụ có liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Những năm qua, nhiều văn bản của Đảng đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực BHYT. Bên cạnh đó, một số nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều có các nội dung định hướng hoàn thiện pháp luật BHYT. Đây là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Có thể kể đến như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.
"Các định hướng, chiến lược của Đảng và Quốc hội cần phải được thể chế vào Luật để có hiệu lực pháp lý cao và bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến BHYT. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Tập trung vào 4 nhóm chính sách cơ bản
Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao, cập nhật, pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật BHYT có liên quan tới việc thay đổi các quy định về tiền lương theo theo quy định tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 để có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, bà Trần Thị Trang- Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) đã chia sẻ về các chính sách cơ bản trong Dự án Luật. Theo bà Trang, Bộ Y tế tập trung vào 4 chính sách cơ bản gồm: Chính sách điều chỉnh đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; chính sách điều chỉnh phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; chính sách điều chỉnh các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật KCB và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB BHYT; chính sách phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.
Theo bà Trang, mục tiêu của việc sửa đổi chính sách BHYT lần này còn nhằm bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Bên cạnh đó, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ KCB BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT; đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới BHYT.
"Khắc phục được các tồn tại, bất hợp lý mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT; cụ thể hóa, kế thừa chọn lọc những quy định đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong điều chỉnh, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT"- bà Trang nhấn mạnh quan điểm sửa đổi Luật BHYT.
Hà Hùng