Tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2024: Nỗ lực phục hồi trong bối cảnh nhiều bất định do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng ngày 11/4/2024, các chuyên gia kinh tế có chung nhận định, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đã phục hồi và tăng trưởng khá tốt tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Chỉ rõ những tác động bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, TS.Phạm Anh Tuấn- Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam phân tích: trong giai đoạn 2023-2024, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu, nhất là hậu quả của dịch Covid-19 kéo dài; xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đối tác lớn; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế gia tăng; những thách thức về biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, lương thực, đói nghèo ngày càng nghiêm trọng và tác động, ảnh hưởng đến kinh tế thế giới... Tác động rõ nét là năm 2023, kinh tế Việt Nam giảm đà tăng trưởng một cách đáng kể với mức tăng trưởng giảm mạnh từ 8,0% trong năm 2022 xuống còn 5,0% trong năm 2023...
Tuy nhiên, điểm tích cực đáng ghi nhận là công tác điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2023 đã cho thấy những kết quả tích cực. Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (3,1%) và cao mức bình quân trong khu vực ASEAN-5 (4,2%). Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, lạm phát thấp, tỷ giá biến động nhỏ, thu chi ngân sách ổn định, đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Những kết quả này tạo niềm tin nền kinh tế trong nước đã vượt qua được những thách thức của năm 2023, củng cố nền tảng cho triển vọng phát triển của năm 2024.
Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam Quý I/2024 đã có những chỉ số phục hồi và phát triển khá tốt, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Dù vậy, vẫn còn những vấn đề quan ngại như: Đầu tư tư nhân chững lại; bất động sản (tín dụng cho vay đối với bất động sản không tăng); tiêu dùng tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng; hoạt động DN khó khăn (số lượng DN rút lui khỏi thị trường tăng, các tập đoàn lớn gặp khó, giảm đầu tư)…
PGS.TS.Trần Đình Thiên- thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã gặp vấn đề không chỉ ở thị trường bất động sản mà là ở cấu trúc toàn thể của thị trường tài chính. Nền kinh tế không thực sự ổn định vào những năm 2021-2022 khi năng lực điều hành vĩ mô và kiềm chế lạm phát được coi là ổn nhưng nền kinh tế lại giảm đà tăng trưởng. Ông nhận định: “Nền kinh tế mở nhưng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm 2/3 kim ngạch xuất nhập khẩu. Nền kinh tế dồi dào tiền nhưng DN “khát” vốn. Quy mô DN mới thành lập càng ngày càng nhỏ, dù số DN có tăng lên nhưng tuổi thọ thực sự của DN lại ngắn”.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, đến năm 2023-2024, nước ta đang dần ổn định kinh tế vĩ mô, lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng giảm. Hiện nay, nhiều dự báo của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế cho rằng: kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2024 sẽ thuận lợi hơn, giảm bớt khó khăn, thách thức. Theo TS.Trần Đình Thiên, để biến thách thức thành cơ hội, cần khai thác hiệu quả động lực từ Quy hoạch quốc gia, các Luật mới như: Luật Đất đai... và có cơ chế trao quyền cho các địa phương để gia tăng cơ hội thu hút đầu tư; có cách tiếp cận mới trong phát triển thị trường tài chính - tiền tệ; nghiên cứu xây dựng mô hình các khu sinh thái công nghiệp, khu thương mại tự do thế hệ mới...
Chung góc nhìn này, TS.Võ Trí Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá: “Mức độ cải thiện tình hình năm 2024 còn tùy thuộc diễn biến từ bên ngoài, song điều tiên quyết là nỗ lực chính sách và cải cách của Việt Nam”. Chuyên gia này khuyến nghị, nếu năm 2023 trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng; thì năm 2024 là thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô. Các nhóm chính sách giải pháp 2023 có thể có điều chỉnh, song về cơ bản cần được tiếp tục thực hiện trong năm 2024...
Thái An