Khảo sát của Trung tâm DVVL tỉnh Thanh Hóa cho thấy, DN chủ yếu có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, lao động chưa có tay nghề; lao động mong muốn mức lương dao động trong khoảng 5-8 triệu đồng/tháng và mong muốn có việc làm tại tỉnh.
Tổng hợp, phân tích, đánh giá thông tin Việc tìm người- Người tìm việc theo nhiệm vụ chuyên môn và theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững Quý I/2024 của Trung tâm DVVL Thanh Hóa cho thấy, qua điều tra, khảo sát, thu thập, cập nhật thông tin tuyển dụng tại 586 lượt DN (trong đó 536 lượt DN trong tỉnh, 50 lượt DN ngoài tỉnh) có nhu cầu tuyển dụng 24.191 lao động. Nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất với số lượng 21.360 người (chiếm 88,29%) tập trung ở nhóm ngành dệt may, giày da, nhựa, bao bì. Điều này phản ánh nhu cầu của đa số doanh nghiệp SDLĐ phổ thông, chưa có tay nghề.
Nhóm ngành vận tải, kho bãi có nhu cầu tuyển dụng thấp nhất với tỷ lệ 0,36% nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, nhóm ngành sản xuất, sửa chữa lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 1.622 người, chiếm 6,7%. Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động có kỹ năng nghề thuộc nhóm ngành tài chính- ngân hàng- kế toán- kiểm toán với 217 người, chiếm 0,89% và tổng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp ở các nhóm ngành, nghề khác là 624 người, chiếm 2,57%. Đáng chú ý, trong số 24.191 lao động cần tuyển dụng trong Quý I/2024, lao động phổ thông, chưa qua đào tạo được DN tuyển dụng với số lượng lớn nhất là 23.171 người, chiếm 95,78% tổng số nhu cầu tuyển.
Qua khảo sát cho thấy, NLĐ là công nhân kỹ thuật không bằng, sơ cấp và trung cấp được DN đặt ra tiêu chí tuyển dụng chiếm 1,46% (tương ứng với 354 người), tập trung ở DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử; cơ khí, công nghệ ô tô, xe máy. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng, Đại học là 438 người, chiếm 1,81%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trên Đại học chiếm 0,94%, tương ứng 228 người.
Bên cạnh đó, thu thập nhu cầu tìm việc làm của NLĐ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, sơ bộ 2.003 lao động có nhu cầu tìm việc làm, số lao động là nữ giới chiếm tỷ lệ thấp hơn nam giới, chiếm 47,07% (943 người). Trong số 2.003 lao động có nhu cầu tìm việc, mong muốn công việc trong lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa, bao bì chiếm 43,4% nhu cầu. Ngành nghề NLĐ có nhu cầu tìm việc ít nhất là nhóm ngành y tế (chiếm 0,1%) tổng nhu cầu tìm việc của NLĐ. Số NLĐ tìm việc trong nhóm ngành sản xuất, sửa chữa, lắp đặt máy móc, thiết bị công nghiệp, điện, điện tử là 245 người, chiếm 8,9% tổng số nhu cầu tìm việc của NLĐ. Số NLĐ tìm việc trong nhóm ngành dệt may, giày da, nhựa, bao bì 870 người, chiếm 43,4% tổng số nhu cầu tìm việc của NLĐ. Số NLĐ tìm việc trong nhóm ngành, nghề khác là 662 người, chiếm 33,05% tổng nhu cầu tuyển dụng.
Đáng chú ý, trong tổng số 2.003 lao động khảo sát, mong muốn của NLĐ mức lương từ 3 triệu đến 5 triệu/tháng có 25 người; mức lương từ 5 đến 8 triệu/tháng có 1.674 người (chiếm 83,57%); Mức lương từ 10 triệu đến 20 triệu/tháng có 128 người; mức lương từ 20 triệu đến 50 triệu/tháng có 37 người; mức lương thỏa thuận có 139 người. Đặc biệt, làm việc trong tỉnh vẫn là ưu tiên của NLĐ bởi yếu tố gần nhà, thuận lợi cho việc chăm sóc gia đình (chiếm 78,18%) nhu cầu tìm việc trong tỉnh (tương ứng với 1.566 người); nhu cầu tìm việc ngoài tỉnh 437 người (chiếm 21,82%).
Ông Lê Xuân Trường- Trưởng phòng Dự báo thông tin thị trường lao động (Trung tâm DVVL tỉnh Thanh Hóa) cho biết, qua điều tra, khảo sát, thu thập, tổng hợp và phân tích nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ, đặc biệt người tìm việc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tập trung ở các huyện nghèo miền núi, huyện có xã đảo, xã bãi ngang ven biển. “Để hỗ trợ NLĐ tìm việc, Trung tâm đã tổ chức 3 phiên giao dịch việc làm lưu động với 56 lượt DN/cơ sở dạy nghề tham gia. Tư vấn, giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động 1.510 người; kết nối việc làm cho 230 lao động trong và ngoài tỉnh có nhu cầu tìm việc làm trong nước, xuất khẩu lao động và học nghề. Trung tâm đã thực hiện giới thiệu nhân sự phù hợp cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và NLĐ có nhu cầu việc làm. Nhờ đó, cả NLĐ và người SDLĐ đều tiết kiệm được khá nhiều thời gian tìm kiếm và chi phí tuyển dụng…”- ông Trường thông tin.
Nguyệt Hà