Kể từ thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, cùng với thành tựu phát triển kinh tế, các chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước ta, nhất là chính sách BHXH, BHYT luôn được thực hiện chu đáo, đảm bảo cuộc sống người dân, NLĐ ngày một tốt đẹp hơn.
Từ dấu mốc chiến thắng lịch sử
Ngày 30/04/1975 đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, hai miền Nam-Bắc thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt. Thắng lợi đó được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người Việt Nam, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Người dân đăng ký gia hạn tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình
Cũng từ thời điểm ấy, qua 49 năm, kinh tế-xã hội nước ta liên tục có những bước phát triển, dù vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Năm 2023, GDP của Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong ASEAN và thứ 35 trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD).
Từ một đất nước bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, từng bị thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản đứng hàng đầu thế giới. Công nghiệp và dịch vụ phát triển khá nhanh, liên tục tăng và hiện chiếm khoảng 88% GDP. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2023 đạt gần 700 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 355 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đầu tư nước ngoài liên tục phát triển, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu ASEAN về thu hút FDI, trong đó năm 2023 đạt 23 tỷ USD- mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế xếp thứ 46/132 nước được xếp hạng…
Đời sống của người dân cũng từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 (tiêu chí cao hơn trước). Đến nay, có 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; hầu hết các xã nông thôn đều có đường ô tô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và mạng điện thoại. Quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh gắn với quá trình CNH-HĐH đất nước; tỷ lệ đô thị hoá đã đạt khoảng 43%; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở cả nông thôn và đô thị đều có bước phát triển mạnh mẽ; đã đưa vào sử dụng nhiều sân bay, bến cảng hiện đại, hơn 1.900 km đường cao tốc và phủ sóng rộng rãi mạng 4G, 5G.
Hiện nay, Việt Nam có gần 99% số người lớn biết đọc, biết viết. Tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt 93,35% dân số. Người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và người cao tuổi được cấp BHYT miễn phí. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần 3 lần. Tuổi thọ trung bình của dân cư tăng từ 62 tuổi năm 1990 lên 73,7 tuổi năm 2023. Hiện nước ta cũng có gần 80% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. LHQ đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong việc hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ. Chỉ số Hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng…
Phát huy giá trị an sinh
Kể từ thời điểm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với các thành tựu phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội cũng luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng thực hiện. Điều này được thấy rõ ở thời điểm những năm đầu giải phóng, khi các chính sách bảo đảm an sinh cho người dân được ban hành kịp thời, phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT tới chị em phụ nữ
Tiêu biểu như: Ngày 18/6/1976, Chính phủ ban hành Nghị định số 10-NĐ/76 về việc thực hiện các chế độ MSLĐ, hưu trí, tử tuất đối với CNVC và quân nhân ở miền Nam. Ngày 8/8/1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 198-CP sửa đổi, bổ sung một số điểm về chế độ hưu trí và nghỉ việc vì MSLĐ đối với CBCNVC và quân nhân. Ngày 20/11/1978, Hội đồng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 296-CP bổ sung và sửa đổi một số điểm về chế độ đối với CBCNVC về hưu và nghỉ việc vì MSLĐ. Bổ sung quy định về trợ cấp ưu đãi hằng tháng ngoài lương hưu đối với cán bộ hoạt động cách mạng từ trước tháng 8/1945; bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với CBCNVC về hưu có thời gian công tác liên tục đủ 25 năm trở lên; chế độ KCB, điều dưỡng… đối với CBCNVC về hưu hoặc nghỉ vì MSLĐ có hưởng trợ cấp hằng tháng.
Đến Hiến pháp 1980, đã tổng kết, xác định những thành quả đấu tranh cách mạng trong nửa thế kỷ qua, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm bước phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Về chính sách xã hội, đặc biệt là BHXH, Điều 59 Hiến pháp 1980 quy định: “…CNVC khi về hưu, già yếu, bệnh tật hoặc MSLĐ được hưởng quyền lợi BHXH. Nhà nước mở rộng dần sự nghiệp BHXH theo trình độ phát triển của nền kinh tế quốc dân và bảo đảm cho NLĐ được hưởng quyền lợi đó. Nhà nước hướng dẫn các HTX thực hiện từng bước chế độ BHXH đối với xã viên”.
Cho đến nay, cùng với công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì vấn đề an sinh xã hội, trong đó trụ cột chính là chính sách BHXH, BHYT không ngừng được hoàn thiện. Luật BHXH 2006, Luật BHXH 2014, Luật BHYT 2008 và Luật BHYT 2014 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để phát triển chính sách BHXH, BHYT. Đến nay, hiệu quả tổ chức thực hiện được thấy rõ: Về BHXH có 18,41 triệu người tham gia, chiếm 39% lực lượng lao động; về BHYT có trên 93,62 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số. Bình quân mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, hơn 150 triệu lượt KCB được quỹ BHYT chi trả; và khoảng 3,3 triệu người đang hưởng lương hưu hằng tháng…
Luật BHXH, Luật BHYT đang trong quá trình hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Từng người dân được đảm bảo an sinh bền vững, cuộc sống ấm no cũng là một trong những yếu tố để tiếp tục góp phần phát huy trọn vẹn thành quả của công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước từ gần 50 năm trước.
Minh Đức