Việt Nam là nước có số nạn nhân bị lừa đảo trên không gian mạng cao nhất thế giới, chiếm tỷ lệ gần 1/3 số tiền bị chiếm đoạt. Đáng chú ý, trong số các nạn nhân bị lừa đảo, có tới 90% là phụ nữ.
Theo thông tin từ Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo, trong năm 2023, người Việt Nam bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng lên tới 16 tỷ USD, chiếm gần 1/3 so với tổng số tiền cả thế giới bị lừa đảo chiếm đoạt (53 tỷ USD). Điều đáng nói, trong số các nạn nhân bị dính bẫy lừa đảo qua không gian mạng ở Việt Nam, có tới 90% nạn nhân là phụ nữ.
Thông tin từ Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cũng cho thấy, cứ 10 nạn nhân lừa đảo trực tuyến, thì có 9 người là phụ nữ. Chỉ trong quý III năm nay, 790 vụ lừa đảo trên mạng đã được phát hiện và 1/4 số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền thiệt hại do lừa đảo lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Lý giải về những nguyên nhân khiến nạn nhân sập bẫy lừa đảo chủ yếu là nữ giới, bà Caroline Nyamayemombe- Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam cho biết: “Không chỉ Việt Nam, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ luôn là những người yếu thế. Họ nhạy cảm, tự ti, cả tin và cũng dễ bị đe dọa. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, khi phụ nữ gặp nguy hiểm hay bị lừa đảo, họ rất ngại đứng ra tố cáo, vì sợ gặp phải những đánh giá không hay về mình”.
Khảo sát của GASA cho thấy, trong năm 2023, trung bình mỗi người Việt Nam phải đối mặt với 0,8 vụ lừa đảo. Số liệu khảo sát cũng cảnh báo, 71% người được hỏi bị lừa qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail, tiếp theo là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).
Các chuyên gia cũng đã nhận diện và chỉ ra 24 hình thức lừa đảo qua mạng, trong đó có 3 hình thức chủ yếu: Lừa đảo trộm danh tính, lừa đảo đầu tư, mua sắm và tuyển dụng- vì bọn tội phạm hướng đến người có đồng tiền nhàn rỗi hoặc muốn làm "việc nhẹ lương cao".
Còn theo Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), lừa đảo qua mạng hiện nay được ví như "ngành công nghiệp" do không còn xuất phát từ cá nhân hay nhóm nhỏ. Bởi, tỷ suất lợi nhuận lên đến 2.500% trong năm qua và dự đoán còn tăng cao trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, tội phạm lừa đảo trực tuyến ngày càng hoạt động tinh vi, sử dụng các kịch bản, phương pháp tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Việt Nam trở thành nơi đắc địa để tội phạm khai thác khi nhận thức về an toàn thông tin của người dân còn thấp.
Bộ TT-TT khẳng định, hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng diễn ra phức tạp, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như tạo các website giả mạo các cơ quan, DN, ngân hàng, sàn thương mại... Các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, khó nhận diện, xuất phát một phần từ việc không xác nhận được chủ thể website, tên miền quốc tế đăng ký ở nước ngoài.
Nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lừa đảo qua mạng, Bộ TT-TT đã xây dựng và triển khai Cổng tra cứu thông tin tên miền để hỗ trợ người dân, tổ chức, DN nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức trên môi trường mạng. Trước khi sử dụng dịch vụ, giao dịch trên Internet, người dân, tổ chức, DN có thể tra cứu thông tin website, tên miền bằng cách thực hiện nhắn tin miễn phí tới Tổng đài 156 hoặc tra cứu trực tiếp tại Website https://tracuutenmien.vn. Qua đó, người sử dụng dịch vụ Internet có thể nhận diện và phòng ngừa các hành vi lừa đảo, vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.
Để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, chuyên gia GASA kiến nghị Việt Nam cần tăng chế tài xử phạt, nghiêm trị tội phạm lừa đảo; đồng thời tăng cường công cụ, kỹ thuật và kết hợp với nhiều tổ chức, tập đoàn bảo mật lớn trên thế giới bảo vệ người Việt tránh khỏi các trang web độc hại, giả mạo, lừa đảo, đánh cắp thông tin tài khoản. Bên cạnh đó, người dân cần thận trọng, tỉnh táo khi nhận được liên hệ từ các nguồn không rõ ràng, tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.
Hà Thủy