Dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền địa phương và tích cực của cơ quan BHXH, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa vẫn đang là vấn đề nan giải…
Số liệu thống kê tính đến hết tháng 8/2023 cho thấy: số tiền chậm đóng BHXH, BHYT trên toàn tỉnh Thanh Hóa là 697.911 triệu đồng, bằng 6,28% số phải thu. Con số này tăng 37.137 triệu đồng (5,62%) so với tháng trước, tăng 95.117 triệu đồng (15,78%) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số chậm đóng BHXH từ 6 tháng trở lên là 275.204 triệu đồng; chậm đóng BHYT là 111.636 triệu đồng (trong đó số tiền Ngân sách Nhà nước 77.638 triệu đồng); tổng số lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 123.196 triệu đồng...
Theo BHXH tỉnh Thanh Hóa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Một nguyên nhân chủ yếu đó do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 kéo dài khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tình hình phục hồi sinh tế một số ngành nghề còn chậm. Do tác động của nền kinh tế thế giới, nhiều nước cắt giảm đơn hàng, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, thậm chí phải ngừng hoạt động; việc làm, thu nhập của người lao động, người dân gặp khó khăn…
Bên cạnh đó, cũng có tình trạng một số chủ sử dụng lao động chây ỳ, chưa thực hiện tốt nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động; ý thức tuân thủ pháp luật về BHXH của người sử dụng lao động chưa nghiêm, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc trích nộp BHXH. Mặc dù đã có nhiều chế tài xử phạt các đơn vị chậm nộp BHXH, tuy nhiên việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đủ sức răn đe...
Trước tình trạng gia tăng số DN và số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, một trong những giải pháp được cơ quan BHXH tích cực duy trì là vận động sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Hằng tháng, BHXH tỉnh Thanh Hóa chủ động cập nhật thông tin, báo cáo cấp ủy, UBND tỉnh về tình hình đóng BHXH, đặc biệt là việc chậm đóng, nợ đọng BHXH. Từ đó tham mưu, đề nghị sự lãnh đạo, chỉ đạo từ chính quyền địa phương tháo gỡ thực trạng này, không để ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ. Ngay trong tháng 8/2023, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo trình Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT đối với Xí nghiệp Sông Đà 10.5, Chi nhánh Công ty cổ phần Sông Đà 10. Trước đó, theo định kỳ hằng tháng, BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đã báo cáo trình Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp đối với Công ty cổ phần Tập đoàn VINASTONE; về việc cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản đối với 6 doanh nghiệp để thi hành các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp...
Riêng về giải quyết tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp từ tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã được ban hành. Cụ thể như, công văn số 3702-CV/VPTU ngày 24/3/2023 của Văn phòng Tỉnh ủy thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc chấn chỉnh tình trạng chậm đóng BHXH của các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh; Công văn số 4159/UBND-VX (ngày 30/3/2023) của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Giám đốc các sở, ban ngành, các đơn vị cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện về việc trích nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn... Bên cạnh đó, nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng được hệ thống chính trị tại địa phương liên tục ban hành, triển khai thực hiện. Trong tháng 8/2023, UBND tỉnh đã ban hành 05 văn bản chỉ đạo và các sở, ngành ban hành 06 văn bản phối hợp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT…
Sự chủ động của cơ quan BHXH cũng được triển khai thông qua bám sát tình hình từng đơn vị SDLĐ, thanh tra, kiểm tra các đơn vị SDLĐ để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm. Trong tháng 8/2025, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện 5 cuộc thanh tra liên ngành, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành thường xuyên và đột xuất tại 58 đơn vị (lũy kế từ đầu năm 173 đơn vị, đạt 58,6% kế hoạch). Thông qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị thu hồi về quỹ BHXH 17 triệu đồng, quỹ BHYT 52,6 triệu đồng; kiến nghị nộp số tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT 8.001 triệu đồng.
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng hướng dẫn BHXH huyện tăng cường thanh tra chuyên ngành đột xuất và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động thực hiện kết luận sau thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; nộp số tiền chậm đóng, hằng tháng đóng BHXH, BHYT và trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH và quỹ BHYT.
Để hạn chế tình trạng chậm đóng, thực hiện tốt các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, BHXH tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các phòng nghiệp vụ tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng. Chỉ đạo phòng Thanh tra- kiểm tra và các phòng nghiệp vụ có liên quan thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra chuyên ngành đóng đột xuất các đơn vị chậm đóng, đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia không đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động và công khai danh tính các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…
Thái An