Công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH Việt Nam từng bước được đẩy mạnh ứng dụng CNTT, qua đó nâng cao hiệu quả trong tổ chức triển khai thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, chi trả BH thất nghiệp, chế độ BHYT.
Ứng dụng CNTT theo hướng toàn diện
Hiện tại, BHXH Việt Nam đang quản lý hệ thống dữ liệu tập trung, thống nhất và ứng dụng các phần mềm vào nhiều hoạt động nghiệp vụ của Ngành.
Trong đó có một số phần mềm nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến việc khai thác xử lý dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra như: phần mềm quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT (TST); phần mềm quản lý chi trả các đối tượng đang hưởng chế độ BHXH hàng tháng (TCS); hệ thống thông tin giám định BHYT. Các phần mềm nghiệp vụ này được quản lý tập trung từ thu đóng, cho đến giải quyết các chế độ chính sách BHXH, BHYT. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị tổ chức ứng dụng có hiệu quả hệ thống CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với Tổng cục Thuế, trong đó có nội dung chia sẻ dữ liệu thuế và dữ liệu BHXH do 2 ngành quản lý. Nội dung này cũng giúp ngành BHXH chủ động khai thác dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Từ năm 2016, Vụ Thanh tra - Kiểm tra (nay là Thanh tra BHXH Việt Nam) đã bắt đầu có một số ứng dụng để xử lý dữ liệu được kết xuất ra từ phần mềm nghiệp vụ. Đến năm 2017, sau khi BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện Phần mềm TST và Hệ thống thông tin giám định BHXH, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được phát triển mạnh mẽ, các nội dung thanh tra, kiểm tra đều được sử dụng các giải pháp công nghệ để rà soát, phân tích và xử lý thông tin, dữ liệu. Các chỉ tiêu phân tích từ cơ sở dữ liệu nhằm một số mục đích như:
Lựa chọn đơn vị có dấu hiệu, nghi vấn, có tình hình biến động về tăng, giảm lao động lớn hoặc có sự gia tăng về giải quyết, thanh toán chế độ BHXH, BHYT để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Sàng lọc các đơn vị SDLĐ có mức đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho NLĐ thấp so với mức đóng bình quân trên địa bàn hoặc cao bất thường so với mức đóng bình quân của các đơn vị trên địa bàn; Các đơn vị mà NLĐ có mức thu nhập phải chịu thuế cao; DN đã kê khai, đăng ký nộp thuế nhưng chưa đăng ký tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; Các đơn vị chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT từ 3 tháng trở lên hoặc có lịch sử thường xuyên chậm đóng, có nguy cơ chậm đóng kéo dài...
Sàng lọc các đơn vị có dấu hiệu bất thường trong việc hưởng các chế độ BHXH cũng như các vấn liên quan đến điều kiện hưởng chế độ BHXH như: Các đơn vị có số lượt giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe lớn so với tổng số lao động tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; tần suất hưởng cao; NLĐ đề nghị nghỉ hưu khi tuổi đời còn rất trẻ nhưng có tỉ lệ giám định suy giảm khả năng lao động trên 80%...
Sàng lọc các cơ sở KCB có lượt KCB BHYT, chi phí KCB BHYT, tỷ lệ bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh tăng cao so với bình quân chung, gia tăng chi phí KCB BHYT cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa trong vùng và toàn quốc, cơ sở KCB BHYT có cơ cấu chi phí không hợp lý (tỷ lệ chi thuốc ít, chi dịch vụ kỹ thuật chiếm tỷ lệ cao)…
Có thể nói, việc sử dụng các giải pháp công nghệ trong hoạt động thanh tra, kiểm tra được thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra.
Hằng năm, trên cơ sở định hướng của Thanh tra Chính phủ, BHXH Việt Nam tiến hành rà soát, phân tích dữ liệu nghiệp vụ của 63 tỉnh, thành phố làm căn cứ xây dựng định hướng công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành. Lựa chọn các đơn vị đưa vào xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam và giao chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra cho BHXH các tỉnh, thành phố theo từng nhóm đối tượng có nội dung nghiệp vụ quản lý còn hạn chế, có dấu hiệu vi phạm pháp luật… được phát hiện qua rà soát, phân tích dữ liệu nghiệp vụ.
Trong tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, việc ứng dụng CNTT được các đoàn thanh tra, kiểm tra triển khai ở hầu hết các bước, nhưng chủ yếu tập trung ở bước chuẩn bị và tiến hành thanh tra, kiểm tra. Với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống như trước đây, các đoàn thanh tra, kiểm tra chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, biểu mẫu và trực tiếp tiến hành làm việc với đối tượng thanh tra để đối chiếu, so sánh thông tin số liệu bằng phương pháp thủ công trên sổ sách, tài liệu giấy. Đến nay, việc so sánh, đối chiếu số liệu đã được thực hiện bằng các giải pháp công nghệ, câu lệnh hoặc các công cụ phần mềm CNTT. Trên cơ sở dữ liệu về thu, sổ thẻ, giải quyết chính sách, chi phí KCB BHYT… và thông tin, tài liệu đối tượng thanh tra, kiểm tra cung cấp qua thư điện tử; đoàn thanh tra, kiểm tra đã rà soát, phân tích trước để khoanh vùng, cảnh báo, phát hiện những trường hợp sai sót hoặc có dấu hiệu vi phạm.
Từ đó thống kê, tổng hợp và lựa chọn danh sách các trường hợp sai sót hoặc có dấu hiệu vi phạm theo từng nội dung nghiệp vụ. Khi tiến hành thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các đơn vị, đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tập trung thu thập tài liệu, chứng cứ và kiểm tra đối chiếu, đánh giá hồ sơ pháp lý, thông tin thực tế của các trường hợp đã được lựa chọn liệt kê hoặc các vấn đề có dấu hiệu sai sót, vi phạm. Nghe ý kiến giải trình và xem xét tính đúng đắn, khách quan của hồ sơ để ghi nhận vào biên bản làm việc với đối tượng thanh tra. Phương pháp làm việc này có sự kết hợp giữa phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống và phương pháp “điện tử”, vừa rút ngắn thời gian cho đối tượng thanh tra, vừa tăng khối lượng nội dung, hồ sơ thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ đúng quy trình, quy định của pháp luật thanh tra.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện phần mềm Quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm, lạm dụng, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT (gồm 121 dấu hiệu nhận diện) gửi các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng Phần mềm nhận diện hành vi vi phạm và Phần mềm thanh tra, kiểm tra để đưa vào áp dụng trong toàn Ngành.
Phát huy hiệu quả thực tiễn
Tại các địa phương, BHXH các tỉnh, thành phố đã thường xuyên ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra ở nhiều mức độ khác nhau, từ đơn giản (như sử dụng các ứng dụng tin học văn phòng) đến phức tạp (sử dụng các phần mềm nghiệp vụ và các ứng dụng tin học chuyên sâu để lọc dữ liệu). Triển khai nhập dữ liệu và sử dụng phần mềm Quản lý hoạt động thanh tra, kiểm tra phiên bản 1.0.
Thường xuyên có sự phối hợp giữa Phòng Thanh tra - Kiểm tra và các phòng nghiệp vụ có liên quan để trích xuất dữ liệu; khai thác và sử dụng dữ liệu do cơ quan BHXH đang quản lý để kiểm tra, đối chiếu với hồ sơ đang lưu giữ tại đơn vị.
Sử dụng các phần mềm nghiệp vụ để hỗ trợ trước khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, như: Sử dụng dữ liệu cảnh báo của phần mềm Hệ thống thông tin giám định BHYT để kịp thời kiểm tra cơ sở KCB và chấn chỉnh các cơ sở KCB có dấu hiệu vượt quỹ KCB BHYT, chỉ định quá mức cần thiết, thu dung người bệnh, kéo dài ngày điều trị, thanh toán chưa đúng quy định; sử dụng dữ liệu của phần mềm Tiếp nhận và Quản lý hồ sơ đề phục vụ công tác kiểm tra các đại lý thu BHXH, BHYT hộ gia đình… Qua đó, giúp rút ngắn về thời gian làm việc trực tiếp với các đối tượng thanh tra, kiểm tra, đặc biệt đối với các đơn vị có số lao động lao động và dữ liệu lớn.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, việc thực hiện ứng dụng CNTT, xử lý cơ sở dữ liệu trong công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành BHXH Việt Nam đã giúp giảm thời gian làm việc trung bình so với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống, riêng với đơn vị SDLĐ giảm 22,8% thời gian làm việc của Đoàn thanh tra, kiểm tra và 49,6% thời gian làm việc của đối tượng được thanh tra, kiểm tra.
Tiếp tục đổi mới
Hiện nay, hoạt động thanh tra, kiểm tra của BHXH Việt Nam và BHXH địa phương đã dần đi vào nề nếp, đảm bảo thực hiện tuân thủ theo các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam. Nhờ việc triển khai các giải pháp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là việc ứng dụng hiệu quả CNTT, hệ thống thanh tra, kiểm tra toàn Ngành BHXH Việt Nam đã có những hiệu quả tích cực Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2023, toàn Ngành đã tổ chức 115.791 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 179.415 đơn vị (trong đó thanh tra chuyên ngành tại 69.282 đơn vị). Theo đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị truy thu đối với 566.926 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian, thiếu mức đóng; thực hiện tham mưu, ban hành 5.171 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp, BHYT với tổng số tiền xử phạt là gần 229 tỷ đồng, số tiền phạt đã nộp về Ngân sách nhà nước là gần 70 tỷ đồng; tổng số tiền kiến nghị truy thu, thu hồi về quỹ BHXH, BH thất nghiệp, BHYT là 23.790 tỷ đồng, đến nay các đơn vị được thanh tra, kiểm tra đã thực hiện khắc phục số tiền là 18.785 tỷ đồng.
Ông Bùi Quang Huy, Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động để sẵn sàng thực hiện đồng thời các nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và kiểm tra việc thực hiện chính sách, giải quyết, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với các đơn vị trong và ngoài Ngành. Thường xuyên nắm chắc tình hình để tham mưu thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý theo đúng tinh thần thanh tra, kiểm tra là công cụ trong hoạt động quản lý.
Minh Đức