Thuốc gây mê đường hô hấp là loại thuốc có tác dụng gây mê khi người bệnh hít khí mê vào phổi thông qua một loại máy chuyên dụng.
Thuốc mê đường hô hấp có 2 loại là thể khí và thể lỏng bốc hơi. Thể khí có hoạt chất Dinitrous Oxide (N2O), hay còn gọi là khí cười- hiện nay đang bị lạm dụng ở một số nơi không nhằm mục đích y học. Thể lỏng bốc hơi là các thuốc mê nhóm Halogen như: Halothan, Isoflurane, Sevoflurane, … là chất khí không màu hay dùng trong bệnh viện khi thực hiện một số kỹ thuật y tế. Thuốc này được Desflurane sử dụng để gây mê phẫu thuật và duy trì gây mê phẫu thuật ở người lớn và trẻ em, cũng như gây mê ngoại trú.
Thuốc mê hô hấp thường được sử dụng để duy trì mê trong đa số các trường hợp. Một số trường hợp đặc biệt như ở trẻ em, bác sĩ gây mê có thể sử dụng loại thuốc mê hô hấp mùi dễ chịu có tác dụng khởi phát nhanh và không kích thích đường thở để khởi mê như hoạt chất Sevoflurane.
Các thuốc mê dễ bay hơi hiện nay hay dùng là Sevofluran (biệt dược: Sevorane), Desfluran (biệt dược: Suprane), Isofluran (biệt dược: Aerrane): Bản chất là Eter, có mùi thơm ngọt, không dễ cháy, được bào chế sẵn dưới dạng chất lỏng đóng chai. Các thuốc được phân phối thông qua máy hóa hơi chuyên dụng gắn trên thiết bị gây mê. Ngoài ra, còn hay dùng Halothan (biệt dược: Fluothane): Bản chất là dẫn chất Halogen hóa của Hydrocarbon, không màu, dễ bay hơi, không dễ cháy.
Thuốc gây mê đường hô hấp là thuốc nhằm gây mê toàn thân để thực hiện các kỹ thuật y học cần thiết trong lâm sàng với mục đích làm giảm đau, bất động bệnh nhân, mất tri giác và cảm giác. Bệnh nhân sẽ mất ý thức và mất trí nhớ tạm thời trong thời gian hiệu lực của thuốc. Trạng thái này sẽ hồi phục sau khi thuốc mê hết tác dụng.
Cơ chế của thuốc gây mê là hoạt chất có tác dụng điều hòa tăng chức năng ức chế của chất dẫn truyền thần kinh GABA thông qua gắn vào thụ thể GABA. Thuốc gây mê đường hô hấp là các chất gây mê toàn thân hoàn toàn, trong đó chúng có tất cả các tác dụng trên ở nồng độ phù hợp. Sau khi hít phải các thuốc gây mê, thuốc gây ra tác dụng liên tục từ an thần đến gây mê toàn thân. Các thuốc gây mê đường hô hấp có tác dụng đáp ứng với liều, liều càng cao mức độ gây tê và gây mê càng sâu.
Thuốc gây mê đường hô hấp dễ bay hơi có thể gây các tác dụng bất lợi bao gồm ức chế hô hấp phụ thuộc liều, suy nhược cơ tim và giãn mạch có thể gây hạ huyết áp. Ngoài ra, sử dụng bất kỳ tác nhân dễ bay hơi nào đều liên quan đến tăng nguy cơ buồn nôn và nôn trong giai đoạn hậu phẫu, so với các thuốc gây mê tĩnh mạch. Nguy cơ mê sảng xuất hiện có thể tăng lên, đặc biệt là ở trẻ em. Hơn nữa, tất cả các thuốc gây mê đường hô hấp dễ bay hơi có khả năng gây ra tăng thân nhiệt ác tính ở những người nhạy cảm.
Thường trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây sẽ trò chuyện, hỏi bệnh nhân một số câu hỏi và bệnh nhân cũng nên đặt câu hỏi cho bác sĩ gây mê về rủi ro, lợi ích của việc gây mê và sẽ chọn loại thuốc gây mê phù hợp nhất với thể chất và cơ địa của người bệnh. Trước, trong và sau quá trình gây mê, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, nên người được gây mê cũng không nên quá lo lắng trước khi gây mê chuẩn bị tiến hành phẫu thuật.
Từng loại thuốc mê hô hấp đều có những chống chỉ định riêng hoặc có những đặc điểm lưu ý riêng chẳng hạn như nhóm Halogen qua được hàng rào nhau thai, có thể tương tác với một số thuốc điều trị tim mạch mà người bệnh đang dùng, chống chỉ định với tiền sử bản thân người bệnh hoặc gia đình có tăng thân nhiệt ác tính hay rối loạn chuyển hóa Porphyrin.
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ gây mê về các bệnh mà mình đã từng mắc phải và các thuốc hiện đang sử dụng để điều trị bệnh, có đang mang thai hay không đối với phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ. Đồng thời, người bệnh cần tìm hiểu thông tin những bất thường hoặc biến chứng trong gây mê phẫu thuật mà chính người bệnh hoặc người thân trong gia đình đã từng trải qua trong quá khứ. Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ chuẩn bị kế hoạch tốt nhất, tránh những tai biến, biến chứng nguy hiểm cho người bệnh trong gây mê phẫu thuật.
ThS.Lê Quốc Thịnh