Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024), nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa được tổ chức, không chỉ là dịp ôn lại lịch sử hào hùng của Hà Nội, mà còn gửi gắm những hy vọng, kỳ vọng về sự phát triển của thành phố nghìn năm tuổi.
Trước tiên, phải kể đến chuỗi sự kiện Hà Nội- Chạm miền ký ức, diễn ra tại không gian Nhà hát Lớn Hà Nội, kéo dài từ ngày 5 đến 31/10. Chương trình sẽ đưa du khách trở về một lịch sử hoài niệm, với “thời tem phiếu” cùng nhiều trải nghiệm thú vị. Cụ thể, tại Vườn Âm nhạc (Nhà hát Lớn Hà Nội), BTC sẽ tái hiện không gian Hà Nội thời bao cấp thông qua khung cảnh phố phường, toa xe điện leng keng, những đồ dùng sinh hoạt gia đình ngày nay không còn thấy trong đời sống… Những chiếc vé vào cửa để trải nghiệm chuỗi hoạt động của chương trình sẽ được mô phỏng hình thức tem phiếu thời bao cấp.
Điểm nhấn của Chương trình là đêm nhạc Phú Quang- Tình yêu ở lại sẽ diễn ra vào 20h ngày 25-26/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự góp mặt của NSND Tấn Minh, ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Khánh Linh, Hoàng Hải, nhóm OPlus. Mỗi nghệ sĩ sẽ thể hiện 3-4 ca khúc của nhạc sĩ Phú Quang.
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò từ ngày 8/10 đến 31/12, đó là trưng bày chuyên đề “Bàng ơi…!”. Hình ảnh, câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa… sẽ giúp chúng ta thêm hiểu và yêu loài cây bình dị, dù sinh trưởng trong điều kiện khắc nghiệt, vẫn mạnh mẽ vươn lên và tỏa bóng mát. Trưng bày cũng là lời tri ân, tưởng nhớ công lao, sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian”, nhiều chiến sĩ đã tiếp tục tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cống hiến cho công cuộc giải phóng Thủ đô thân yêu.
Trưng bày “Bàng ơi…!” được chia làm 2 phần, với Những cây bàng tại Hỏa Lò là hình ảnh, câu chuyện về Cây bàng hiệp sĩ- “Người bạn” gần gũi, thân thương, đồng hành và gắn bó mật thiết với đời sống của tù chính trị; âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn địa ngục trần gian. Nội dung “Bàng ơi…!” phản ánh câu chuyện về màn tra tấn man rợ đối với người tù dưới gốc bàng. Cũng tại nơi đây, nhiều cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của tù nhân chống lại chế độ giam cầm hà khắc đã diễn ra. Trong trưng bày, còn có không gian mô tả cây bàng 3D, nơi giới thiệu các sản phẩm lưu niệm về bàng tại Hỏa Lò, tạo nên một điểm nhấn thu hút du khách.
Triển lãm sách Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra từ ngày 9 đến 13/10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sự kiện nhằm giới thiệu về ý nghĩa, giá trị lịch sử to lớn của Ngày Giải phóng Thủ đô trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Triển lãm góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, anh dũng kiên cường của quân và dân cả nước nói chung, của Thủ đô Hà Nội nói riêng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; giới thiệu những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển, hội nhập của Thủ đô và đất nước sau gần 40 năm đổi mới.
Sách được trưng bày tại không gian trong nhà và ngoài trời, theo các chủ đề: Hà Nội- Nghìn năm văn hiến, anh hùng; Hà Nội- Thành phố Vì hòa bình; Hà Nội- Trái tim của cả nước, trung tâm chính trị- hành chính quốc gia và trưng bày một số cuốn sách tiêu biểu của từng giai đoạn đã được chuyển thể sang tác phẩm điện ảnh.
Minh Anh