Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu và những người độc thân đối mặt nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Theo công ty tài chính và bảo hiểm Ocean Finance, những người độc thân ở Anh phải trả khoảng 3.195 bảng (tương đương hơn 4.200 USD) cho các khoản như tiền thuê nhà, thế chấp và tiện ích mỗi năm.
Không chỉ ở Anh, những người sống một mình ở nhiều quốc gia châu Âu khác trong vài năm gần đây cũng phải chịu chi phí tăng bất cân xứng so với các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này dẫn đến sự gia tăng của một thuật ngữ mới là "thuế độc thân", dùng để chỉ tất cả các chi phí phát sinh mà những người không kết đôi phải đối mặt.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, các hộ gia đình một người không có con tại Liên minh châu Âu (EU) tăng 30,7% trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2022. Các hộ gia đình nhỏ nhất xuất hiện chủ yếu ở Litva, Estonia, Đan Mạch và Phần Lan, trong khi các hộ lớn nhất thường ở Croatia, Slovakia và Hy Lạp. Theo Eurostat, vào năm 2022, kiểu gia đình phổ biến nhất ở EU là các hộ chỉ có một người lớn, chiếm khoảng 71,9 triệu người.
Theo chuyên gia về hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động từ "thuế độc thân" có thể vượt xa gánh nặng tài chính. Chuyên gia này cho rằng, "thuế độc thân" có thể gây hậu quả vượt ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mọi người. Tỷ lệ ngày càng tăng những người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt, chẳng hạn như phải trả tiền thuê nhà và thế chấp một mình, đặc biệt là ở các thành phố đắt đỏ. Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính cũng ít muốn cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và có khả năng trả khoản thế chấp ban đầu khá tốt. Điều này có thể gây khó cho nhiều người độc thân muốn tự mua nhà.
Bên cạnh đó, hóa đơn mua sắm cũng có thể cao hơn nhiều bởi các mặt hàng thường được đóng gói theo khẩu phần ăn từ 2-4 suất. Khi đi ăn ở ngoài, người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình.
Tương tự như vậy, chi phí đi lại cũng tăng vì những người độc thân không phải lúc nào cũng có thể tiếp cận các khoản giảm giá cho cặp đôi, chẳng hạn như thẻ tàu hai người Two Together ở Anh. Điều này cũng xuất hiện ở những lĩnh vực khác như nhà hàng, khách sạn và hoạt động nghỉ dưỡng, khi người đi một mình thường không được hưởng các khoản giảm giá dành cho gia đình hoặc nhóm.
Theo Ocean Finance, những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh/tháng cho các hóa đơn, bao gồm cả nhà ở so với khi họ có một người khác ở cùng để chia sẻ chi phí. Họ cũng phải chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký thành viên.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), vào năm 2022, mức thuế đối với người lao động độc thân không có con tại Bỉ là khoảng 53,0%, tại Đức là 47,8% và tại Áo là 46,8%. Con số này ở Pháp là 47,0%, và ở Italy là 45,9%. Ngược lại, mức thuế đối với người lao động đã kết hôn có hai con trung bình của Bỉ là 37,8% vào năm 2022. Đức và Áo áp các mức thuế này lần lượt là 32,9% và 30,2%, trong khi Pháp đánh thuế 39,2% và Italy là 34,9%.
Theo Văn phòng Thống kê của Bỉ (Stratbel), tính đến ngày 1/1/2023, Bỉ có 1,8 triệu gia đình một người, chiếm hơn 36% hộ gia đình. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, số này tăng khoảng 22%. Mặc dù vậy, Bỉ vẫn áp dụng một trong những chính sách đánh thuế cao nhất đối với người độc thân.
Hoàng Dương