Để thu hút người dân tham gia vào hệ thống BHXH, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức trợ cấp thai sản; nghiên cứu các chế độ trợ cấp cho con của người tham gia BHXH tự nguyện.
Báo cáo Quốc hội về quy định BHXH tự nguyện trong Dự án Luật BHXH (sửa đổi), Ủy ban Xã hội cho rằng, với việc trợ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện, các quy định mới chỉ chú trọng vào lợi ích vật chất mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng. Trong khi đó, cơ quan chủ trì soạn thảo luật chưa chú trọng đến những quyền lợi như được nghỉ việc để đi khám thai, nghỉ việc khi thực hiện biện pháp tránh thai, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản, nghỉ việc khi đình chỉ thai nghén…
Tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện
Ủy ban Xã hội cho rằng, đây là những lợi ích rất cần thiết đối với lao động nữ khi mang thai, đồng thời thể hiện được tính bình đẳng giữa các chế độ BHXH trong hệ thống BHXH quốc gia. Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc, đánh giá tác động của việc quy định áp dụng chế độ nghỉ khám thai, đình chỉ thai nghén và chế độ nghỉ để thực hiện các biện pháp tránh thai dành cho người tham gia BHXH tự nguyện tương tự như người tham gia BHXH bắt buộc.
Theo đánh giá, hiện số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, tỷ lệ người trong độ tuổi sinh đẻ tham gia BHXH tự nguyện không cao. Quy định trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện ở mức 2.000.000 đồng là chưa phù hợp thực tế, vì mức này được triển khai từ năm 2015. Do đó, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu nâng mức hỗ trợ phù hợp hơn để thu hút người dân sớm tham gia vào hệ thống BHXH.
Bên cạnh đó, để tiếp tục thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW, Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đối với các chế độ trợ cấp cho trẻ em là con của người tham gia BHXH tự nguyện như: Giảm giá/miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho những em đang trong độ tuổi đến trường…
Theo thống kê, số người tham gia BHXH giai đoạn 2016-2022 tăng mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2016, cả nước có 203.871 người tham gia, thì đến năm 2022 tăng lên 1.462.083 người. Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành đánh giá BHXH tự nguyện chưa đủ tính hấp dẫn do chưa có các chế độ ngắn hạn như chính sách BHXH bắt buộc; quy định phải đóng đủ BHXH từ 20 năm trở lên mới đủ điều kiện hưởng lương hưu là quá dài, khiến nhiều người không đủ động lực để tham gia BHXH tự nguyện.
Mặc dù chính sách BHXH tự nguyện được thiết kế hướng tới việc gia tăng số người nghỉ hưu, song thời gian qua, số người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần khá cao. Cụ thể, năm 2021 có 5.249 người tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần, thì đến năm 2022 tăng lên 12.365 người hưởng BHXH một lần.
Nguyệt Hà