Nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang theo đuổi chuyển đổi kinh tế và đang tích cực thu hút đầu tư từ “những gã khổng lồ công nghệ quốc tế” như Microsoft, Apple và Nvidia. Tuy nhiên, với khoảng cách lớn về lực lượng lao động có tay nghề, sự chuyển đổi kinh tế của nhiều quốc gia dường như là chưa đủ.
Trong những năm qua, nền kinh tế Đông Nam Á đã phát triển nhanh chóng nhờ thế mạnh dân số trẻ. Báo cáo tăng trưởng kinh tế Đông Nam Á do Công ty Tư vấn McKinsey (Mỹ) công bố mới đây cho thấy, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều đạt mức tăng trưởng Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) trong Quý I/2024. Mặc dù vậy, một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu gặp vướng mắc như dòng lao động ồ ạt chảy ra nước ngoài; già hóa dân số; tình trạng thiếu lao động có tay nghề… - đều là nguy cơ trở thành “chướng ngại vật” trên con đường chuyển đổi kinh tế.
Vào cuối tháng 4/2024, Giám đốc điều hành Microsoft Nadella tuyên bố, Microsoft sẽ đầu tư 1,7 tỷ USD vào Indonesia trong 4 năm tới để xây dựng cơ sở hạ tầng iCloud (Điện toán đám mây) và AI (Trí tuệ nhân tạo) mới. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Microsoft vào Indonesia trong gần 30 năm qua. Tờ Jakarta Post sau đó đã đăng một bài báo của chuyên gia, nhận định rằng “những gã khổng lồ công nghệ” của Mỹ có thể chỉ coi Indonesia như một thị trường hơn là một trung tâm sản xuất, bởi thực tế Indonesia không có đủ lao động có tay nghề. Đồng thời, khuyến cáo nếu kỹ năng của lao động không được cải thiện, Indonesia có thể chỉ dừng lại ở công nghệ chế biến nguyên liệu thô.
Giống Indonesia, Thái Lan và Malaysia muốn mở rộng ảnh hưởng trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, năng lượng sạch và xe điện. Tuy nhiên, theo thông tin của tờ Thailand Business News, chỉ 1% dân số Thái Lan có trình độ chuyên môn kỹ thuật số cao. Hiện có 3.500 sinh viên mới tốt nghiệp Đại học tham gia ngành CNTT mỗi năm nhưng Thái Lan cần tổng cộng khoảng 177.000 nhân tài có tay nghề cao vào năm 2026. Còn với Malaysia, con số này là tới 50.000 người, trong khi các trường Đại học trong nước chỉ đào tạo được khoảng 5.000 nhân tài kỹ thuật mỗi năm, có thể nói “như muối bỏ bể”.
Phidel Vineles, nhà nghiên cứu tại một tổ chức tư vấn chính sách và kinh tế của Philippines, cho biết: “Việc thiếu lao động có tay nghề cao có thể trở thành trở ngại lớn với các quốc gia ASEAN trong việc khai thác đầy đủ tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số hay nền kinh tế tuần hoàn. Mặc dù nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN dự kiến sẽ vượt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030, song cần đáp ứng đủ nguồn cung về số lượng lao động có tay nghề cao”.
Nhấn mạnh sự thiếu hụt kỹ năng nghề nghiệp tác động không tích cực đến NLĐ, bà Maria Monica Wihardja- nhà nghiên cứu, giảng viên thỉnh giảng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết phân tích: “Đầu tư vào ngành công nghiệp kỹ thuật số và năng lượng xanh đòi hỏi nhiều kỹ năng. Điều này, mang lại lợi ích cho NLĐ có tay nghề cao, còn NLĐ không có kỹ năng hoặc không đủ kỹ năng sẽ gặp khó khăn, sự chênh lệch trình độ có thể làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về thu nhập và cơ hội thăng tiến”. Lấy Indonesia làm ví dụ, bà Monica khẳng định, việc phổ biến Internet mang lại lợi ích lớn hơn cho NLĐ có trình độ học vấn cao hơn, khiến khoảng cách về trình độ học vấn và kỹ năng của NLĐ càng xa hơn. Nhìn chung, có ít DN ở Đông Nam Á chú trọng đào tạo lao động, trong khi DN ở Đông Á- Thái Bình Dương nhỉnh hơn về mặt này. Vì vậy, nếu các quốc gia Đông Nam Á muốn nâng cao chất lượng của lực lượng lao động, có thể bắt đầu từ giáo dục- đào tạo, chẳng hạn “nâng cao chất lượng của tất cả các giai đoạn giáo dục, bắt đầu từ giáo dục- đào tạo kỹ thuật, dạy nghề và giáo dục Đại học”. Các tổ chức giáo dục cũng cần tăng cường hợp tác để cải thiện, thiết lập chương trình giảng dạy phù hợp hơn với yêu cầu của người SDLĐ khu vực tư nhân.
Trong những năm qua, Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã nhận ra tầm quan trọng của giáo dục- đào tạo và đưa ra nhiều chính sách khác nhau, song kết quả vẫn chưa thực sự khả quan. Nguyên nhân chính là do thiếu sự hợp tác trong các cấp, ngành. Một số chuyên gia cho rằng, nên có nhiều dư địa hơn cho khu vực tư nhân tham gia, vì khu vực này hiểu rõ nhất về nhu cầu kỹ năng trong tương lai. Còn các Chính phủ có thể sử dụng các chương trình giáo dục- đào tạo nâng cao để lấp đầy khoảng trống thông tin và người SDLĐ có thể tạo môi trường cho NLĐ, đặc biệt là NLĐ không có thời gian học tập do làm việc nhiều giờ, để biến việc trau dồi kỹ năng trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa làm việc.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)