Nếu tiếp tục tăng trung bình khoảng 8 tỷ USD/ngày, nợ công của Mỹ có thể chạm mốc 35.000 tỷ USD.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ, nước này đang gánh khoản nợ công 34.900 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP. Chính phủ liên bang dự kiến sẽ chi 892 tỷ USD trong tài khóa hiện tại để trả lãi vay, nhiều hơn số tiền dành cho quốc phòng và gần bằng ngân sách cho Medicare- chương trình BHYT cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Dự kiến, nợ công của Mỹ có thể lên tới 166% GDP vào năm 2054.
Mặc dù vậy, đây không phải vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới. Hầu hết các bài phát biểu tranh cử gần đây của các ứng viên đều không đề cập đến vấn đề thâm hụt hay nợ.
Nợ công của Mỹ đã tăng gần 8.000 tỷ USD trong thời gian cựu Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa nắm quyền. Dưới thời Tổng thống Joe Biden, một thành viên đảng Dân chủ, Mỹ cũng trên đà tăng tương tự. Tổng cộng, nợ công đã tăng hơn 70% trong 7,5 năm qua, do làn sóng chi tiêu mới.
Maya MacGuineas- Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB- một tổ chức giám sát tài chính độc lập và phi lợi nhuận), đánh giá các dấu hiệu cảnh báo về tài chính rất rõ ràng song dường như không có ứng viên tranh cử nào để ý đến.
Trong một phát biểu gần đây, Tổng thống Biden đã thông báo về kế hoạch khiến các tỷ phú phải nộp thuế tối thiểu 25%, qua đó giúp tăng thu ngân sách 500 tỷ USD trong thập niên tới. Nguồn thu này có thể giúp giảm bớt thâm hụt ngân sách. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo Quốc hội Mỹ khó có thể thông qua kế hoạch trên, ngay cả khi ông Biden giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (một cơ quan phi đảng phái thuộc Quốc hội Mỹ), trong 10 năm tới, Mỹ sẽ phải chi tổng cộng hơn 12 nghìn tỷ USD cho việc trả lãi nợ vay. Từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ tiền lãi ròng nợ liên bang so với GDP của Mỹ sẽ lớn hơn ở bất kỳ thời điểm nào kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu lưu dữ liệu về nợ vào năm 1940.
Nợ công chồng chất của Mỹ có nguyên nhân từ cả hai đảng, chi tiêu liên bang đã tăng mạnh dưới cả thời ông Biden và ông Trump. Chương trình cắt giảm thuế hồi năm 2017 của ông Trump dự kiến hết hạn vào năm tới, đã khiến nợ liên bang tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD, theo một ước tính của CBO.
Gánh nặng nợ nần của Chính phủ Mỹ có thể đặt ra rủi ro đối với thị trường trái phiếu, khi nhà đầu tư ngày càng trở nên hoài nghi về khả năng của Washington trong việc thực hiện đúng, đủ và kịp thời các nghĩa vụ nợ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ hôm 18/7, Nhật Bản hiện là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của cường quốc số 1 thế giới, nắm giữ hơn 1.100 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, bỏ xa Trung Quốc với gần 770 tỷ USD. Trong vài năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc thay phiên nhau giữ vị trí đầu tiên trong danh sách các chủ nợ của Mỹ.
Ngọc Tuấn