Thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), sáng 27/11, một số ĐBQH bày tỏ lo ngại tình trạng các doanh nghiệp (DN) có xu hướng tìm cách sa thải lao động nữ trên 40 tuổi- độ tuổi rất ít cơ hội có việc làm mới.
Thảo luận tại hội trường, đa số ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Việc làm nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững, đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tương thích với các luật có liên quan. Dự thảo Luật cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế về quy định của Luật Việc làm hiện hành về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, BH thất nghiệp, đăng ký lao động.
ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đáp ứng yêu cầu về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, kịp thời ứng phó, thích ứng trong bối cảnh già hóa dân số, cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết các vấn đề liên quan việc làm bền vững, quản lý nguồn lao động. Mặt khác, các ĐBQH cũng tập trung thảo luận về đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong độ tuổi, sau độ tuổi lao động; về việc thành lập Hội đồng kỹ năng nghề, cơ chế đảm bảo điều kiện hoạt động của các Trung tâm DVVL.
Quan tâm đến chính sách của Nhà nước về việc làm, ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị Ban soạn thảo rà soát các đối tượng được hưởng chính sách để tránh bỏ sót các đối tượng được hỗ trợ. Tại Khoản 8, Điều 5 quy định hỗ trợ người SDLĐ có nhiều lao động khuyết tật, người DTTS, nên ĐB đề nghị xem xét bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng gồm phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi, do phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 thường khó duy trì hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm mới, còn có sự phân biệt về tuổi tác, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa DN, gia đình, sức khỏe... Trong khi đó, hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều DN tìm cách sa thải hoặc không tuyển dụng đối với đối tượng này.
“Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này cũng là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm, do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người SDLĐ khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi, nhằm khuyến khích họ tiếp tục sử dụng hoặc có chính sách tuyển dụng, sử dụng đối với đối tượng này”- ĐB Quân đề nghị.
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)
Cũng tại Điều 8 về quy định đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị: Điểm d, Khoản 2 Điều 8 cần bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: “NLĐ trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân”.
Bày tỏ tán thành sửa đổi Luật Việc làm, song ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Cần Thơ) góp ý thêm về tạo việc làm cho người cao tuổi. Theo ĐB Ánh, Việt Nam đang có xu hướng già hóa dân số nhanh, người cao tuổi từ 60-75 tuổi vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm và khả năng đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp và phụ thuộc vào trợ cấp xã hội. Do đó, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cụ thể về nhận thức xã hội, việc làm, quyền và trách nhiệm của người cao tuổi, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và DN trong tạo việc làm phù hợp.
“Dự thảo Luật chưa bao quát đầy đủ việc làm, chỉ đề cập đến việc làm có phát sinh quan hệ lao động. Vì vậy, cần bổ sung việc làm tự nguyện vì lợi ích của người khác như công việc nội trợ gia đình. Bởi, đây là yếu tố nền tảng để các thành viên gia đình có thể lao động sáng tạo ra thu nhập. Từ đó, bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử, miệt thị đối với những người làm việc tự nguyện vì người khác”- ĐB Ánh phân tích.
Quan tâm tới khu vực lao động phi chính thức, ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị Dự thảo Luật làm rõ khái niệm phi chính thức và các tiêu chí xác định lao động khu vực phi chính thức. Qua đó, thúc đẩy các nhóm lao động chuyển dịch từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, có quan hệ lao động, đặc biệt là nhóm lao động ở hộ kinh doanh cá thể. Chính vì vậy, cần có các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh đăng ký, đồng thời giảm chi phí đăng ký kinh doanh và miễn thuế trong giai đoạn đầu chuyển đổi, đơn giản hóa TTHC để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Nguyệt Hà