Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh Hải Dương tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư.
Ông Nguyễn Minh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06 tỉnh Hải Dương chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, thời gian qua, bám sát sự chỉ đạo của BHXH Việt Nam, UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã quan tâm, sát sao triển khai thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thứcthanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) để phục vụ người tham gia, thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể, BHXH tỉnh đã giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức TTKDTM cho BHXH huyện, chỉ đạo các đơn vị tăng cường tuyên truyền, thuyết phục người hưởng qua tài khoản cá nhân, phân tích, xác định nhóm người hưởng tiềm năng, thường xuyên phát động phong trào thi đua chuyên đề, trong đó có nội dung về vận động người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH qua hình thức không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, đầu năm 2024, BHXH tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch Triển khai, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền CSDL quốc gia về dân cư trình UBND tỉnh để ban hành và tổ chức thực hiện. Kết quả, tính đến ngày 15/5/2024, đã chi trả qua hình thức TTKDTM đạt 99% đối với người hưởng trợ cấp BHXH, 100% đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 34,23% đối với người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng.
Nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch của UBND tỉnh, đồng thời cụ thể hóa, thống nhất triển khai theo quy trình phối hợp của Bộ Công an và BHXH Việt Nam chỉ đạo, tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận, đưa ra những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Về phía cơ quan BHXH tại địa phương, Giám đốc BHXH huyện Tứ Kỳ Nguyễn Quốc Minh nêu ra trong khó khăn, vướng mắc đó là đã số người hưởng lương hưu là những người cao tuổi khó khăn trong việc tiếp cận, sử dụng với thanh toán điện tử trên các ứng dụng, điện thoại thông minh, thêm vào đó, tại vùng nông thôn cơ sở hạ tầng cho việc TTKHTM như quẹt thẻ ATM, ví điện tử còn nhiều hạn chế.
Cùng quan điểm, Giám đốc BHXH huyện Gia Lộc Phạm Thị Bẩy cho biết, huyện Gia Lộc là một trong những địa phương đạt tỷ lệ người hưởng qua tài khoản cá nhân cao (96,8%), tuy nhiên số chưa thực hiện được tập trung vào nhóm người hưởng cao tuổi. Đại diện cho cơ quan quản lý hành chính tại Công an các huyện, Công an thị xã Kinh Môn đưa ra ý kiến đề xuất bổ sung lực lượng cán bộ LĐ-TB và XH vào Tổ Công tác Đề án 06 cấp xã để rà soát, nắm bắt thông tin về dân cư, dữ liệu người hưởng trong quy trình phối hợp. Về phía các Ngân hàng, đại diện Ngân hàng Agribank chi nhánh Hải Dương II cho biết, Ngân hàng sẽ tích cực phối hợp với cơ quan BHXH tiếp cận, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng mở thẻ, sử dụng các tiện ích internet banking… Qua tham luận, các đại biểu đã thống nhất cao trong việc phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ người hưởng các chế độ BHXH qua phương thức TTKDTM.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Chí Hiếu- Phó Giám đốc Công an tỉnh, đại điện cơ quan Thường trực của Tổ Công tác ghi nhận sự đồng thuận của các đơn vị trong việc tổ chức triển khai TTKDTM trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền cơ sở DLQG về dân cư. Đồng thời, đề nghị các Ngành, các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, báo cáo, tham mưu UBND các cấp chỉ đạo trong việc rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người hưởng chế độ BHXH với dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy vai trò của Tổ công tác Đề án 06 cấp huyện, cấp xã; Đổi mới các hình thức tuyên truyền, linh hoạt tiếp cận theo từng nhóm đối tượng như các CLB hưu trí, hội giáo chức, hội cựu chiến binh… để tuyên truyền, vận động. Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng đề nghị các Ngân hàng cần công khai, rõ ràng những chính sách, ưu đãi để người hưởng được biết, cần có quy trình thuận tiện cho người hưởng từ việc nhận lương hưu qua tài khoản, gửi tiết kiệm, chi tiêu…
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Hùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của BHXH tỉnh trong việc triển khai chi trả chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, tuy nhiên kết quả thực hiện của tỉnh Hải Dương tính đến hết năm 2023 còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (năm 2023, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cả nước đạt 47%).
Theo đó, Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu BHXH tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền tính thiết thực, ưu việt của việc thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương triển khai quy trình phốihợp, chỉ đạo BHXH cấp huyện, tham mưu UBND cấphuyện giao chỉ tiêu vận động đến từng UBND xã, phường, thị trấn. Đối với Công an tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phát huy vai trò của Tổ Công tác Đề án 06 các cấp đặc biệt là Tổ Công tác Đề án 06 cấp xã với lực lượng công an cấp xã làm nòng cốt triển khai cập nhật thông tin về người hưởng BHXH trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư theo quy trình đảm bảo kịp thời, chính xác.
Yêu cầu Sở LĐ-TB và XH, Sở Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức dịch vụ chi trả…phối hợp rà soát, xác minh, hướng dẫn, tuyên truyền,vận động người nhận chế độ BHXH qua hình thức không dùng tiền mặt. UBND các huyện, thị xã, thành phố, căn cứ báo cáo của cơ quan BHXH, ban hành văn bản giao chỉ tiêu vận động người hưởng chế độ BHXH tới từng UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn, chỉ đạo sát sao việc triển khai vận động người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhận tiền qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Bằng quyết tâm và những giải pháp cụ thể, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2024 đạt tỷ lệ 90% người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH qua hình thức không dùng tiền mặt.
Phương Dung