Xem phát triển công nghiệp là khâu đột phá, phát triển nông nghiệp là nền tảng, phát triển dịch vụ là khâu hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Với 4 trụ cột phát triển của địa phương được thông qua tại Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, gồm: Công nghiệp hiện đại- Nông nghiệp sinh thái- Đô thị văn minh và Du lịch chất lượng, Hậu Giang đang từng bước hiện thực hoá khát vọng phát triển kinh tế, xã hội. Để thực hiện chủ trương, Hậu Giang đã chú trọng giải pháp kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào, với quan điểm “DN đến, Hậu Giang vui”, “Thành công của DN là thành quả của tỉnh nhà”…
Năm 2024, Hậu Giang sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập, thời gian qua Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh luôn đoàn kết, vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang. Quá trình phát triển địa phương luôn chú trọng 4 trụ cột là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Xem phát triển công nghiệp là khâu đột phá, phát triển nông nghiệp là nền tảng, phát triển dịch vụ là khâu hỗ trợ cho công nghiệp và nông nghiệp phát triển bền vững.
Nhờ định hướng, giải pháp và các mục tiêu phù hợp, năm 2023, Hậu Giang đã bức tốc về phát triển kinh tế. Theo Tổng Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 9 tháng năm 2023 của tỉnh Hậu Giang đạt 13,3% và tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước.
Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 824 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tổng vốn đăng ký trên 3.902 tỷ đồng; có 193 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tổng vốn là 1.416 tỷ đồng. Trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung có 76 doanh nghiệp thực hiện 78 dự án đầu tư (trong đó có 14 dự án đầu tư nước ngoài), trong đó có 54 dự án đầu tư đang hoạt động và 24 dự án đang giải phóng mặt bằng, xây dựng…
Theo ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thời gian qua địa phương tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ hành chính công, chuyển đổi số. Trong đó, quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn với cam kết "2 nhanh, 3 tốt" là "Giải phóng mặt bằng nhanh, Thủ tục đầu tư nhanh" và "Cơ hội tốt, Chính sách tốt, Hạ tầng tốt"; đồng thời, thực hiện chuyển tư duy từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ" người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công thiết yếu, nhất là các dịch vụ công theo Đề án 06/CP của Chính phủ và các dịch vụ công thiết yếu khác đã gia tăng mức độ hài lòng đối với cơ quan hành chính khi thực hiện các hồ sơ thủ tục. Trong phát triển kinh tế, Hậu Giang cũng đặc biệt quan tâm đến công tác ASXH, trong đó có việc thực hiện BHXH bắt buộc cho NLĐ, mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện và hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân.
Sông Trà