Bên cạnh ban hành các chính sách hỗ trợ, tỉnh Hòa Bình còn phân công rõ trách nhiệm cho từng ngành, từng địa phương, rà soát từng hộ nghèo, hộ cận nghèo… để có giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững.
Trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình đã đầu tư hơn 681,4 tỷ đồng vào Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ đó hỗ trợ phát triển hạ tầng, đa dạng sinh kế và cải thiện sản xuất nông nghiệp cho các huyện khó khăn. Cùng với đó, các chính sách an sinh xã hội như cấp thẻ BHYT miễn phí, hỗ trợ người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em… đã được thực hiện đầy đủ, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 12,29% xuống 9,37%. Đặc biệt, huyện Đà Bắc- vùng khó khăn nhất, cũng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 34,94% xuống còn 26,84%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hòa Bình, những năm qua, công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo, luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm thực hiện. Đặc biệt, Sở LĐ-TB&XH đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để làm tốt công tác giảm nghèo như: Ưu tiên thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, hỗ trợ tiền điện
Đồng thời, tỉnh cũng tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực cho công tác giảm nghèo thông qua việc thực hiện các cuộc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo", Chương trình “Tết vì người nghèo”, phong trào thi đua “Vì người nghèo- không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 và phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động. Từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện giảm nghèo bền vững. Đồng thời, chú trọng phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo…
“Với việc thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nội dung của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo, kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ đề ra (mỗi năm giảm bình quân từ 2,5-3%), dự kiến đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn giai đoạn 2021- 2025 giảm xuống còn 6,9% bình quân hàng năm giảm 2,86% đạt Kế hoạch đề ra”- ông Điệp khẳng định.
Tuy nhiên, với điều kiện tỉnh miền núi, dân cư phân tán, nhiều DTTS sinh sống, nên trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Hòa Bình cũng gặp phải một số khó khăn như: Công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp ở một số nơi còn hạn chế, nên NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chưa quan tâm đến việc học nghề, mà chủ yếu đi làm việc ở các DN. Một số đơn vị, địa phương chưa chủ động trong tham mưu, triển khai thực hiện Chương trình; đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trình độ còn hạn chế, nên ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện Chương trình...
Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Hòa Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm, vai trò của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng xã hội và của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo trong triển khai thực hiện Chương trình. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách, các nội dung, tiến độ triển khai Chương trình đến mọi tầng lớp nhân dân. Từ đó, giáo dục ý thức tự vươn lên giảm nghèo, chống tư tưởng ỷ lại của người nghèo, nhất là hộ nghèo DTTS; đồng thời giúp người nghèo nhận thức đúng về chính sách giảm nghèo và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.
Ngoài ra, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo từng năm để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các chính sách, dự án giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch giảm tỷ lệ hộ nghèo cụ thể cho các huyện, thành phố. Thực hiện phân cấp, phân công rõ trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương. Tổ chức hướng dẫn các huyện thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chỉ đạo hình thành đội ngũ điều tra viên chuyên nghiệp, có đủ năng lực, đạo đức, trình độ chuyên môn, am hiểu địa bàn, thực tế để trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo chính xác, công bằng và không bỏ sót đối tượng.
Nguyệt Hà