Tại phiên trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp, lựa chọn 8 vấn đề lớn báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó, có kiến nghị hoàn thiện pháp luật và đảm bảo quyền lợi về BHXH cho đoàn viên, NLĐ.
Cụ thể, đoàn viên, NLĐ kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy NLĐ có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NLĐ. Theo đó, cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, đào tạo công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, nhất là thu hút các dự án đầu tư của DN có công nghệ cao, năng lực quản trị tốt, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm xã hội. Hạn chế thu hút các DN thâm dụng lao động, ý thức chấp hành pháp luật thấp, trách nhiệm xã hội không cao. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho NLĐ.
Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở KCB nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về BHXH, BHYT, giúp NLĐ nhận rõ lợi ích, có niềm tin ở lại lâu dài với hệ BHXH, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho NLĐ không chỉ lúc đang làm việc, mà cả lúc họ nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, đoàn viên, NLĐ cũng kiến nghị tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người SDLĐ vi phạm pháp luật đối với NLĐ. Trong đó, thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các DN vi phạm pháp luật về lao động, Công đoàn, BHXH, ATVSLĐ, nhất là các DN không hoặc chậm trả lương, trốn đóng BHXH, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động Công đoàn và NLĐ.
Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ DN vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích NLĐ của chính quyền một số địa phương. Đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật việc việc thành lập và hoạt động của tổ chức của NLĐ tại DN, không để lợi dụng việc thành lập, hoạt động để xâm phạm quyền lợi NLĐ, gây khó khăn cho DN, làm mất an ninh trật tự.
Đặc biệt, Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hơn 200 nghìn NLĐ bị nợ BHXH do DN giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu… Ngoài ra, đoàn viên, NLĐ cũng kiến nghị nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, Tết hằng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ này của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày.
Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ mồng 2-5/9), tạo cơ hội cho NLĐ được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. Cùng với đó, chính quyền các cấp tích cực phối hợp với Công đoàn trong việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi NLĐ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Người đứng đầu chính quyền định kỳ đối thoại để lắng nghe và giải quyết các vấn đề bức xúc của CNLĐ và Công đoàn…
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước tiếp tục dành nhiều sự quan tâm tới đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn, đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 02 ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động Công đoàn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của NLĐ.
Thông qua Đại hội Công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của CNVCLĐ, cán bộ Công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế, kiến nghị với Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trước đó, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được nêu tại các chương trình đối thoại của Thủ tướng Chính phủ với CNLĐ hằng năm, Diễn đàn NLĐ năm 2023 với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội và nhiều diễn đàn khác. Các cơ quan chức năng theo thẩm quyền đang quyết liệt nghiên cứu, đề xuất, trực tiếp triển khai các giải pháp giải quyết các kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, NLĐ.
Thanh Hằng