Qua thảo luận tại tổ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) đã có 148 lượt ý kiến của ĐBQH, đa số các ý kiến đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi Luật.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật BHXH (sửa đổi) của Tổng Thư ký Quốc hội cho thấy, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật. Cùng với đó, một số ý kiến đánh giá cao và đồng tình với nhiều ý kiến nêu tại Báo cáo thẩm tra của cơ quan chủ trì thẩm tra cũng như việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật của Chính phủ.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát và bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW để đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi, đáp ứng đầy đủ mục tiêu tăng cường an sinh xã hội, tuân thủ pháp luật, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách, hạn chế việc trốn đóng BHXH; đánh giá kỹ hơn các tác động chính sách, tác động đến NSNN (BHXH một lần, cách tính mức lương hưu, mức hưởng chế độ hưu trí, thời gian hưởng các chế độ đối với NLĐ chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, chế độ trợ cấp hưu trí xã hội…), hiệu quả nguồn lực cho hiện đại hóa hệ thống BHXH, sự liên thông cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý lao động và cơ quan BHXH, tổng kết thực tiễn để có cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung đối với chế độ hưu trí bổ sung và dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo; đánh giá tác động đầy đủ về chính sách an sinh xã hội đối với những vùng vừa thoát khỏi điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK)…
Liên quan đến chính sách hỗ trợ, có ý kiến ĐBQH đề nghị nên có quy định chính sách nhà nước hỗ trợ đóng BHXH hơn là đến một mức tuổi thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội để khuyến khích các đối tượng khác tham gia đóng BHXH. Đồng thời, cơ quan soạn thảo nghiên cứu chính sách hỗ trợ BHXH, BHYT đối với vùng đồng bào DTTS như: Các xã vừa thoát khỏi vùng khó khăn thì cần có lộ trình giảm dần; các xã mới thoát nghèo thì có lộ trình từ 01- 03 năm để đảm bảo vùng đồng bào DTTS phát triển bền vững. Song song với đó, quy định rõ hơn chế độ đóng- hưởng để cho người tham gia BHXH có thể gắn bó với BHXH một cách lâu dài nhất. Đặc biệt, với những NLĐ tham gia BHXH sớm nhưng quyền lợi của họ chưa được thể hiện rõ, chưa được quan tâm nhiều trong dự thảo Luật.
Liên quan đến đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện tại Điều 3, một số ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc song cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc và đánh giá tác động thật kỹ đối với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng có sử dụng NSNN. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung nhóm đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn; người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương và người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, ở thôn, xóm, tổ dân phố tham gia BHXH bắt buộc vì mức thu nhập của các đối tượng này rất thấp và bấp bênh. Đồng thời, đánh giá tác động cũng như xác định NSNN phát sinh, tác động đối với ngân sách địa phương khi mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; rà soát để tránh trùng lặp với những người đã hưởng chế độ hưu trí…
Về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc tại Điều 37, có ý kiến cho rằng, biện pháp xử lý hành vi chậm đóng và trốn đóng còn chung chung, không xác định rõ việc xử lý trong từng trường hợp. Vì vậy, cần quy định rõ ràng, thống nhất cách xử lý đối với từng trường hợp chậm đóng, trốn đóng và làm rõ các biện pháp xử lý về kinh tế, tài chính, xử lý hành chính, xử lý hình sự. Đồng thời, quy định chung về hệ quả pháp lý của hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH chưa phù hợp do đây là hai hành vi có tính chất, mức độ khác nhau. Do đó, tách riêng hai trường hợp, trong đó, hành vi trốn đóng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn hành vi chậm đóng. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung các quy định để làm rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH cũng như chế tài nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng (05 ý kiến).
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, theo quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự thì hành vi trốn đóng BHXH đã thuộc biện pháp hình sự, do đó nếu vượt quá giới hạn của vi phạm hành chính, cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố và nên quy định theo hướng xử lý hành chính, trường hợp đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ xem xét xử lý hình sự. Đặc biệt, một số ĐBQH cho rằng mấu chốt là việc bảo vệ quyền lợi NLĐ, nên việc có khởi kiện thắng, xử xong thì có biện pháp để bảo đảm việc thực thi; có quy định cưỡng chế với hành vi này qua kênh ngân hàng như khoá tài khoản doanh nghiệp hoặc trừ vào tài khoản của doanh nghiệp. Mặt khác, Luật quy định về công khai rộng rãi thông tin về tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ trốn đóng BHXH bắt buộc của các công ty, doanh nghiệp này để NLĐ có thể theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia vào thị trường lao động.
Nguyệt Hà