Một ngày nọ, Daniel Skupio, 27 tuổi, được tặng chiếc máy ảnh dùng một lần (throwaway camera hay máy ảnh chụp phim). Thật không ngờ, với món đồ vật nhỏ này, anh đã thoát khỏi ma túy và chứng nghiện rượu, bước vào một cuộc sống mới.
Hãnh diện lựa chọn một bức trong rất nhiều bức ảnh để trên bàn, Daniel Skupio cho biết, anh hài lòng nhất là ảnh chụp người em họ của anh với đôi tay dang rộng, mỉm cười rất tươi dưới ánh mặt trời: “Khi ấy, em họ đang đứng trên một đống cát, tôi yêu cầu em ấy tạo dáng như đang bay trên bầu trời. Ảnh đen trắng nhưng tôi nghĩ vẫn thể hiện được khoảnh khắc vui vẻ và tự do”.
BTC lựa chọn ảnh trước khi khai mạc Triển lãm Ảnh quốc tế về Tình trạng vô gia cư ở các quốc gia Visegrad, diễn ra ở Budapest (Hungary)
Những năm gần đây, Daniel Skupio tham gia Sáng kiến Picture it- sáng kiến bắt nguồn từ Trung Âu, trao tặng máy ảnh dùng một lần cho đối tượng người vô gia cư ở Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia. Mỗi người vô gia cư được phát 1 hoặc 2 chiếc máy ảnh dùng một lần và khoảng 3 tuần để chụp lại bất cứ những gì họ muốn. Từ quang cảnh đường phố, bữa ăn hằng ngày, thú cưng vui tươi… thậm chí cả đến vũng nước bên lề. Những bức ảnh của họ, bao gồm cả của Daniel Skupio, sau đó được tập hợp để tham gia một cuộc triển lãm ở Budapest (Hungary), từ cuối tháng 10 đến ngày 27/11/2023, nhằm thay đổi nhận thức của thế giới về người vô gia cư.
Trong thời điểm tồi tệ nhất cuộc đời của mình, Daniel Skupio dùng ma túy, nghiện rượu, đánh nhau, ngủ ngoài đường, vô gia cư vất vưởng. Bây giờ, anh đã cai nghiện được 6 năm, chăm sóc 1 con mèo hoang, tiếp tục học lấy bằng tốt nghiệp THPT và chờ chuyển đến nhà ở xã hội… tất cả những việc này- theo Daniel Skupio- là nhờ tham gia những dự án xã hội kiểu Picture It: “Tôi thực sự tự hào về bản thân vì đã tìm ra định hướng cho cuộc đời mình, không tiếp tục tiêu tốn thời gian vào những thú vui vô bổ và ngu ngốc. Tôi là bằng chứng sống cho thấy, chỉ cần có quyết tâm, là có thể cai nghiện bất kỳ chất kích thích nào và bắt đầu cuộc mới".
Bà Nora Bagsi, Giám đốc Sáng kiến Picture It tại Hungary (phải) đang tự tay trưng bày ảnh trước giờ khai mạc Triển lãm Ảnh quốc tế về Tình trạng vô gia cư ở các quốc gia Visegrad, diễn ra ở Budapest (Hungary)
“Mục tiêu của Sáng kiến Picture it là hướng tới giảm bớt định kiến của mọi người đối với người vô gia cư và tạo cơ hội để họ thể hiện những mặt tích cực mà người xung quanh thường không thấy được”- đại diện Sáng kiến chia sẻ- “Hầu hết người vô gia cư không được lắng nghe hay thấu hiểu, thậm chí khi nhắc về họ thì mọi câu chuyện dường như đều ở trạng thái rất tiêu cực. Và bây giờ, thông qua những bức ảnh, chúng ta có thể “bước vào” vào cuộc sống riêng đầy màu sắc, cảm xúc và những cuộc phiêu lưu trong lòng thành phố của họ".
Bà Izabela Kruzynska, điều phối viên Sáng kiến ở Ba Lan, cho biết thêm: “Khi chúng tôi lần đầu tiên phân phát máy ảnh, một số người vô gia cư rất sẵn sàng tham gia. Nhưng một số người vô gia cư khác cảm thấy e ngại, họ thắc mắc: “'Tôi à? Chụp ảnh gì? Tại sao lại bảo tôi chụp ảnh? Tôi biết phải làm gì bây giờ?”. Rõ ràng, họ thiếu tự tin và chúng tôi phải giúp họ trấn tĩnh lại. Chúng tôi thường nói với họ rằng, họ cứ chụp bất cứ sự vật xung quanh và thu hút sự chú ý của họ. Chụp ảnh là cách họ bày tỏ quan điểm riêng".
Du khách tham dự khai mạc Triển lãm Triển lãm Ảnh quốc tế về Tình trạng vô gia cư ở các quốc gia Visegrad, diễn ra ở Budapest (Hungary)
Daniel Skupio nói anh có một người bạn vong niên tên là Slawomir Plichta, 54 tuổi. Ông Slawomir Plichta cũng là người vô gia cư, họ quen biết nhau khi hoạt động trong một dự án kịch sân khấu dành cho người vô gia cư và sau đó là cùng tham gia Sáng kiến Picture It. Một bức ảnh đen trắng được triển lãm của ông Slawomir Plichta cho thấy hình ảnh một người nhỏ bé ở cuối đường hầm tối tăm với những mái vòm kim loại loại lớn. “Thực tế tôi đã không rời chiếc máy ảnh suốt thời gian qua, chỉ đi loanh quanh tìm kiếm những thứ thú vị để chụp ảnh"- ông Slawomir Plichta, đang cai nghiện rượu nói với phóng viên- “Điều đó sẽ không xảy ra nếu tôi vẫn nghiện ngập và ngủ ngoài đường. Trường hợp ấy tôi không chắc chiếc máy ảnh có còn hay không. Tôi sẽ bị lấy cắp hoặc chính tôi bán nó hay vứt nó ở đâu đó".
Bây giờ ông Slawomir Plichta đã tỉnh táo được một năm và mới trở lại căn hộ của mình; tuy nhiên, ông vẫn rất cẩn thận trước những cám dỗ: ““Không bao giờ nói không bao giờ", phải kiềm chế và tự kiểm điểm mình, mặc dù bây giờ tôi là "một con người mới”, vui vẻ và cởi mở với mọi người. Mọi chuyện tốt hơn 150.000 lần so với trước đây. Tôi thích “thế giới” hiện tại. Tôi không thích “thế giới” trước đây. Tôi đã bỏ “thế giới” trước đây ở phía sau”.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)