Báo cáo mới nhất cho thấy nhiều người trẻ ở Hàn Quốc đang già nhanh và mắc bệnh sớm hơn hàng chục năm vì lối sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Dữ liệu do Dịch vụ Bảo hiểm Y tế quốc gia Hàn Quốc công bố cho thấy, những người ở độ tuổi 20 và 30 có tỷ lệ mắc bệnh mãn tính tăng mạnh hơn người ở tuổi 50 và 60. Tức là các bệnh lão khoa liên quan quá trình chuyển hóa như tiểu đường, huyết áp cao, gout và viêm khớp, đang xuất hiện sớm hơn nhiều năm ở thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 đến 1995) và Gen Z (sinh từ năm 1996 đến 2010).
Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến 2022, số người ở độ tuổi 20-30 mắc bệnh tiểu đường tăng 73,8%, mắc bệnh cao huyết áp tăng 45,2%, còn mắc cholesterol máu cao tăng hơn gấp đôi. Cũng theo các chuyên gia, chứng viêm bao khớp, còn được gọi là chứng cứng khớp vai thường xuất hiện ở những người trên tuổi 50 nay bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 20 theo Dịch vụ Bảo hiểm y tế quốc gia.
Nhật báo Korea JoongAng dẫn lời các chuyên gia y tế phản ánh, thế hệ M và Z đang "lão hóa ngày càng nhanh" khiến tuổi sinh học của họ già hơn tuổi thật chủ yếu là do mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, kết hợp với các chế độ ăn uống và lối sống khác biệt.
Báo Korea JoongAng nêu ra trường hợp của Kang, 35 tuổi, bị các chứng mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ và xơ cứng động mạch đang dùng thuốc Statins điều trị mỡ máu cao. Người đàn ông cho biết, sau một ngày làm việc, anh thường đến các cửa hàng tiện lợi bán thức ăn chế biến sẵn để có một bữa ăn nhanh chóng. Sau đó, Kang quay lại cuộc sống bận rộn của mình, và guồng quay này đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của anh.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ những căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi 30 của mình", Kang chia sẻ với tờ nhật báo.
Giáo sư Shim Kyung-won đang làm việc tại Trung tâm Y khoa Seoul thuộc trường Đại học Nữ sinh Ewha chỉ ra rằng, người trẻ tuổi ít hoạt động thể chất, ít tập thể dục kể từ khi đi học. Sau khi học đại học và tìm được việc làm, họ càng không có nhiều thời gian tập thể dục hoặc ngủ ngon giấc. "Một khi chu kỳ này bắt đầu, mọi người sẽ ăn uống để khỏa lấp", vị chuyên gia nói.
Mức tiêu thụ thịt và tinh bột tinh chế như bánh mì và đường của giới trẻ Hàn Quốc gia tăng khi việc tiếp cận những thực phẩm này ngày càng dễ dàng. Chỉ với một vài thao tác trên màn hình di động, họ có thể mua chúng dễ dàng thông qua dịch vụ giao hàng mọi lúc mọi nơi.
Giáo sư Jung Hee-won, khoa Lão khoa, Trung tâm Y tế Asan, cho biết lượng đường trong máu tăng và giảm nhanh chóng khi một người tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, đường đơn và ngũ cốc tinh chế. Đồng thời, trong quá trình đó, các hormone gây căng thẳng xuất hiện và tạo điều kiện cho tế bào mỡ cũng như tế bào ung thư phát triển.
Tuy vậy, không phải nhiều người trẻ tuổi nhận thức được những gì đang xảy ra. Họ thường quá tự tin về sức khỏe, với quan niệm thông thường là U30 không thể bị ảnh hưởng. Tư duy này càng ngăn cản họ tìm cách điều trị khi mắc bệnh.
Trên thực tế, các bệnh chuyển hóa mãn tính có thể phát triển thành những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư. Mỡ máu cao, huyết áp cao, tiểu đường… kéo dài lâu có thể gây xơ cứng động mạch và cản trở sự lưu thông tự do của máu bên trong cơ thể, thậm chí làm vỡ mạch máu.
Một số chuyên gia cảnh báo nếu tiếp tục để vấn đề trên diễn ra mà không có biện pháp đối phó, những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30 có thể trở nên kém khỏe mạnh hơn thế hệ cha mẹ họ.
Hoàng Dương