Nhóm ngân hàng nhà nước được coi là trụ cột trong hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng vốn quá chậm đang làm khả năng hỗ trợ kinh tế của các tổ chức này suy giảm.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7/2023, vốn điều lệ của Big 4 (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180.500 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 7,4 triệu tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 6,15 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 5,55 triệu tỷ đồng. Trong đó, quy mô vốn điều lệ của Agribank thấp nhất, thậm chí thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần.
VietinBank là một trong 4 ngân hàng quốc doanh có vốn điều lệ cao
Cụ thể, đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Agribank là 34.446 tỷ đồng, so với VPBank 67.434 tỷ đồng, MB 45.340 tỷ đồng và Techcombank 35.172 tỷ đồng...; trong khi vốn điều lệ của 3 ngân hàng quốc doanh còn lại lần lượt là: BIDV 50.585 tỷ đồng, VietinBank 48.058 tỷ đồng, Vietcombank 47.325 tỷ đồng.
Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp giai đoạn 2021-2023 của Agribank tối đa là 17.100 tỷ đồng. Trong đó, năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Nếu được bổ sung 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng. Với số vốn tăng thêm sẽ giúp Agribank đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II.
Trong khi đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ rằng, số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng đến năm 2024. “Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng”- Chủ tịch Agribank nói.
Mặc dù hiện nay BIDV có vốn điều lệ cao nhất trong nhóm “Big 4”, nhưng nhu cầu tăng vốn của ngân hàng luôn hiện hữu. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, cổ đông BIDV đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 21,7% lên 61.557 tỷ đồng và đang chờ được phê duyệt để thực hiện. Theo đó, ngân hàng dự kiến sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu, trong đó gần 642 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 và phần còn lại là phát hành thêm cổ phiếu bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (455 triệu cổ phiếu).
Báo cáo trình Quốc hội của NHNN mới đây cũng đề cập tình hình tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. NHNN cũng có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009-2016 và năm 2021.
Với Vietcombank, trong nội dung ĐHĐCĐ đầu năm 2023, ngân hàng trình phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2018. Cụ thể, Vietcombank dự kiến sẽ phát hành tối đa gần 2,77 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho các cổ đông, tăng vốn điều lệ thêm 27.685 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của ngân hàng từ hơn 47.325 tỷ lên hơn 75.000 tỷ đồng.
Thời gian phát hành cũng được ngân hàng điều chỉnh dự kiến trong năm 2023 và 2024, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được sự chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong tháng 7, Vietcombank đã phát hành gần 856,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 18,1%, nâng tổng vốn điều lệ của ngân hàng này từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng từ hai nguồn nêu trên.
NHNN cho biết thêm, đang dự thảo văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về Dự thảo Tờ trình Chính phủ và Dự thảo Tờ trình Quốc hội với phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế hết năm 2018. Trong nhóm Big 4 chỉ duy nhất VietinBank vẫn đang chờ được phê duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2020.
Tại ĐHĐCĐ năm 2023, VietinBank thông qua 2 phương án tăng vốn điều lệ, lên mức 60.387 tỷ đồng hoặc 66.030 tỷ đồng, tùy thuộc vào việc có hoàn thành tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020 hay không. HĐQT VietinBank cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020, dự kiến sẽ đưa vốn điều lệ lên 55.700 tỷ đồng; đồng thời dự kiến phát hành thêm tối đa 564,3 triệu cổ phiếu vào quý III và quý IV/2023, tương đương với 11,7415% số cổ phần lưu hành.
Trước đó, lãnh đạo cả 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đều nhiều lần kiến nghị Chính phủ được nhanh chóng tăng vốn bằng nguồn lực lợi nhuận giữ lại. Nếu không được tăng vốn thì các ngân hàng quốc doanh khó có thể đảm bảo vai trò chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần và khả năng điều tiết thị trường trong nước; đồng thời cũng không đạt được mục tiêu “phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất (về tài sản) trong khu vực Châu Á” theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng của Việt Nam.
Phạm Minh