Chiều 5/10, tại trụ sở BHXH tỉnh Lạng Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề, lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Ông Hoàng Văn Nghiệm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi tiếp xúc cử tri.
Tham gia buổi tiếp xúc và góp ý cho Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có gần 100 cử tri là CBVC, NLĐ khối các cơ quan và DN tỉnh; đại diện chủ SDLĐ; cán bộ làm công tác BHXH tại các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc, các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin đến cử tri dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 23/10 tới. Theo đó, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến vào 8 dự án luật; thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội, NSNN; hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, ông Lưu Bá Mạc- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đã báo cáo khái quát về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Cụ thể, qua hơn 8 năm thi hành, Luật BHXH 2014 đã khẳng định tính đúng đắn của chính sách BHXH, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều DN; diện bao phủ đối tượng tham gia và hưởng BHXH còn thấp; chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người dân tham gia; việc tuân thủ pháp luật BHXH còn chưa cao... Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ trình Dự thảo Luật BHXH (Sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6.
Cũng theo ông Mạc, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu của Nghị quyết 28-NQ/TW; đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Thống nhất cao với các nội dung của Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp vào các nội dung: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng (Bổ sung Chương III trong Dự án về trợ cấp hưu trí xã hội, từ Điều 20 đến Điều 24); đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí; điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; các chế độ, trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội; chế độ đối với NLĐ không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (chủ hộ kinh doanh, người quản lý trong DN, người điều hành HTX không hưởng tiền lương và NLĐ làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố); bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu…
Phát biểu kết luận, ông Hoàng Văn Nghiệm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cử tri; đồng thời cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị, góp ý của cư tri đối với Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để tổng hợp, phân loại, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới; cũng như kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được hiệu quả.
Hoàng Thùy