Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ khởi sắc hơn, do kinh tế thế giới hồi phục, các động lực chính cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, dòng vốn được luân chuyển tích cực- đây là chia sẻ của TS.Lê Duy Bình- Giám đốc Công ty Economica Việt Nam về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024.
* PV: Thưa ông, Bộ KH-ĐT đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam cho cả năm 2023, đồng nghĩa với việc quý IV/2023 cũng phải tăng ít nhất từ 7-10%. Ông đánh giá như thế nào về các kịch bản này?
TS.Lê Duy Bình:
Với những dấu hiệu kinh tế hiện tại, thì GDP cả năm 2023 đạt được 5,5-6% theo kịch bản là không thể. Trong Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng từ 5-5,5% thì có thể đạt được, vì với xu hướng kinh tế như hiện tại khó đạt được 6%.
TS.Lê Duy Bình
* Đâu là những điểm sáng và điểm chưa đạt được trong bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2023 như về sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, bất động sản, tài chính-ngân hàng, các chính sách phục hồi kinh tế và chính sách cho DN?
- Năm 2023 là một năm khó khăn không chỉ đối với kinh tế thế giới, mà còn tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự điều hành của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những điểm sáng. Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định- đây là điểm rất quan trọng cho toàn bộ nền kinh tế. Chỉ số lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát. Hệ thống tài chính-ngân hàng đảm bảo sự ổn định.
Bên cạnh đó, niềm tin của các DN và các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như thu-chi ngân sách tiếp tục ổn định; bội chi ngân sách dưới 4%- vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Cán cân vãng lai thanh toán duy trì được thặng dư, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng và là tiền đề cho tăng trưởng năm 2024.
Điểm sáng tiếp theo là sự phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng của tháng sau luôn cao hơn tháng trước, tạo đà cho sự tăng trưởng cao hơn và tốc độ tăng trưởng trong những tháng cuối năm rất tích cực. Đặc biệt, thời gian qua có sự phục hồi của ngành chế biến-chế tạo. Hồi đầu năm, mức độ tăng trưởng của kinh tế vĩ mô gây thất vọng, nhưng tháng cuối năm bắt đầu hồi phục, với sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ.
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng phục hồi tích cực
Các gói hỗ trợ thành công như hỗ trợ cho DN phục hồi sau COVID-19, đã có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế. Bên cạnh đó là đầu tư công, nếu năm nay đẩy lên con số tuyệt đối- giải ngân được hơn 700.000 tỷ đồng, sẽ có tác động rất lớn. Tổng cầu của nền kinh tế bù đắp cho phần đầu tư tư nhân, sẽ có đóng góp quan trọng cho GDP trên 5% trong năm nay. Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ khác cũng rất thành công, như gói hỗ trợ cho DN hoãn, giãn tiền thuê đất, giảm thuế cho DN, giảm VAT… với tổng cộng gần 100.000 tỷ đồng, tương đương 6% tổng thu ngân sách năm nay.
Tuy nhiên, có gói hỗ trợ chưa thành công, đó là gói 120.000 tỷ đồng cho vay xây, mua nhà ở xã hội và gói cấp bù lãi suất, gói đó tốc độ giải ngân chậm, không hiệu quả. Kinh tế vĩ mô còn một số điểm chưa đạt được như mục tiêu đề ra. Mức độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn (trung bình mỗi tháng có 14.400 DN rút lui khỏi thị trường). Đầu tư tư nhân vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, nên khu vực này chưa đóng góp nhiều cho tổng cầu nền kinh tế… Đây là những vấn đề ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của năm nay.
* Theo ông, những vướng mắc nào cần tháo gỡ để làm tiền đề cho thúc đẩy kinh tế vĩ mô năm 2024?
- Đầu tư công đóng góp rất lớn vào tăng trưởng. Hết tháng 11/2023, giải ngân đầu tư công mới đạt hơn 60%. Tôi tin là, từ nay đến cuối năm sẽ đạt 90-95%, một con số đáng khích lệ.
Sở dĩ tại sao tôi tin đến hết tháng 12 sẽ đạt 90-95%. Bởi, thời điểm này là giai đoạn chủ đầu tư, nhà thầu… tích luỹ khối lượng, hoàn thành hồ sơ để báo cáo. Nếu chỉ dựa vào con số của tháng 10, tháng 11 chưa phản ánh được hết kết quả giải ngân năm nay, chờ đến 31/12 mới có thể biết được số liệu chính xác về đầu tư công.
Một số yếu tố như số lượng DN rút lui khỏi thị trường, chúng ta phải nghĩ đến nền kinh tế Việt Nam đang tái cấu trúc, nên thời gian tới, số DN rút lui khỏi thị trường vẫn tiếp tục xảy ra. Điều quan trọng là cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách TTHC để cho DN bớt khó khăn hơn, vấn đề này cần các cơ quan, ban ngành nỗ lực để cải thiện hơn.
Muốn phát triển, chúng ta phải khuyến khích, gợi mở lĩnh vực tiềm năng mới hỗ trợ DN khởi nghiệp đầu tư vào lĩnh vực đó. Tiếp theo, cộng đồng DN cần xác định mô hình kinh doanh cũ, thị trường cũ, dịch vụ cũ không còn phù hợp nữa… mà phải tái cấu trúc, tìm cách để thay đổi mô hình kinh doanh của mình. Như vậy, để xây dựng được môi trường kinh doanh tốt, không chỉ xuất phát từ cơ quan quản lý, mà còn xuất phát từ phía cộng đồng DN.
* Ông dự báo như thế nào về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024, lĩnh vực nào sẽ là động lực chính cho tăng trưởng?
- Dự báo GDP năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023, do có một số tín hiệu khả quan như: Sự phục hồi kinh tế toàn cầu, khả năng chống chọi của DN cao hơn, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, niềm tin của các nhà đầu tư, DN và người dân đối nền kinh tế mạnh mẽ hơn…
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, sẽ giúp cho môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam tốt hơn. Đồng thời, hy vọng đầu tư tư nhân, đầu tư FDI năm 2024 sẽ được đẩy mạnh hơn, sẽ đóng góp rất lớn cho tổng cầu. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu sẽ được cải thiện, từ đó dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ tích cực hơn năm 2024.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Minh Thắm (Thực hiện)