Đây là nội dung của Tọa đàm Công bố kết quả Nghiên cứu đánh giá mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương năm 2023 do Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) và Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức ngày 7/12/2023 tại Hà Nội.
Hoạt động nhằm thúc đẩy tiếng nói của NKT, chia sẻ quan điểm của họ trong dịch vụ công và thủ tục hành chính địa phương, từ đó kêu gọi hành động để cải thiện sự hòa nhập của NKT. Song song, kêu gọi các bên liên quan thực hiện các bước cụ thể để nâng cao sự hòa nhập của NKT trong quản trị công, phù hơp với Mục tiêu phát triển bền vững số 16 thúc đẩy các xã hội hòa bình và hòa nhập để phát triển bền vững.
UNDP cho biết, nghiên cứu này được tiến hành tháng 7-11/2023, khảo sát với trên 2.100 NKT, bao gồm tất cả các dạng khuyết tật tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhằm tìm hiểu về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị địa phương. Nghiên cứu chú trọng vào các vấn đề về mức độ hòa nhập của NKT trong quản trị và dịch vụ công, đồng thời nêu bật những thách thức chính trong hai chủ đề quan trọng là: tiếp cận thông tin và quản lý rùi ro thiên tai. Qua nghiên cứu cho thấy, chỉ có 5,3% người tham gia khảo sát, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có cơ hội bày tỏ quan ngại về quản lý rủi ro thiên tai địa phương trong 5 năm qua. Sự tham gia thấp này một phần được cho là do thiếu thông tin dễ tiếp cận liên quan đến cảnh báo thiên tai; các kênh nhận thông tin cảnh báo thiên tai phổ biến nhất là ti vi và loa phát thanh nên NKT thường khó tiếp cận được những thông tin này.
Theo kết quả nghiên cứu, các TTHC công dành cho NKT còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong vấn đề cấp giấy xác nhận khuyết tật cũng như trợ cấp khuyết tật. Các vấn đề liên quan đến hạ tầng dịch vụ công như bệnh viện và giao thông công cộng còn cần nhiều cải thiện để thân thiện hơn với NKT. NKT dạng nghe nói, trí tuệ, và thần kinh- tâm thần là các nhóm còn gặp đặc biệt nhiều khó khăn trong tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công. Mức độ tham gia của NKT ở cấp cơ sở còn thấp và có sự chênh lệch về giới và dạng khuyết tật, chỉ 34,4% người trả lời có tham gia vào các hội/nhóm/tổ chức xã hội. Tỷ lệ người trả lời không tham gia bầu cử HĐND và ĐBQH trong kỳ bầu cử gần nhất còn khá cao, ở mức 47,1%. Hai yếu tố lớn nhất cản trở NKT tham gia bầu cử là khả năng di chuyển tới địa điểm bầu cử và tiếp cận thông tin về cuộc bầu cử. Trong số những người không tham bầu cử, có tới 27,7% người trả lời không tham gia bầu cử vì không tự di chuyển được tới điểm bầu cử và 24,3% không được thông báo về cuộc bầu cử.
NKT dạng nghe nói, trí tuệ và thần kinh- tâm thần là những nhóm còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin. Với thủ tục hành chính công, 21% người tham gia khảo sát cho biết gặp khó khăn trong thực hiện TTHC tại địa phương, đặc biệt là nhóm NKT dạng nghe nói. Gần 1/5 số NKT chưa được cấp giấy xác nhận khuyết tật. Bên cạnh đó, 86,1% người trả lời cho rằng các khoản trợ cấp không đủ để đáp ứng cho chi phí sinh hoạt tối thiểu của một NKT. Hơn một nửa số người trả lời không có tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình... Các yếu tố như kỹ năng số hạn chế, thiếu thiết bị thông minh, khả năng tiếp cận nền tảng và cơ sở dữ liệu không đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số được xác định là những khó khăn chính. Điều này khiến nhiều NKT phải phụ thuộc vào người chăm sóc hoặc Tổ chức của Những NKT (OPDs) để có thể tiếp cận thông tin phúc lợi xã hội cần thiết.
Phát biểu ý kiến tại Lễ Công bố kết quả, bà Ramla Khalidi- Trưởng Đại diện thường trú của UNDP nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách cũng như nhấn mạnh cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm là điều kiện tiên quyết. Do đó, để tăng cường triển khai chính sách, cần ưu tiên tăng cường nhận thức và đào tạo về hòa nhập NKT trong các thủ tục hành chính và dịch vụ công cho chính quyền địa phương, những NKT và tổ chức NKT.
Nguyệt Hà