Dù số DN thành lập mới trong trong tháng 7/2024 giảm so với tháng trước, nhưng số DN quay trở lại hoạt động lại tăng lên, khiến tổng số DN gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao trong 7 tháng đầu năm, ngày càng kéo dãn khoảng cách với số DN rút lui khỏi thị trường. Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy sản xuất kinh doanh của các DN tiếp tục đà phục hồi, mở rộng thêm cơ hội việc làm cho NLĐ…
Gia tăng DN gia nhập thị trường
Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế-xã hội 7 tháng đầu năm 2024 cho thấy, trong tháng Bảy, cả nước có 14,7 nghìn DN thành lập mới với số lao động đăng ký hơn 88,4 nghìn lao động. Con số này giảm hơn so với tháng trước, nhưng tăng 7,3% về số DN, và tăng 11,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6,8 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung bảy tháng năm 2024, cả nước có hơn 95,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký gần 600,4 nghìn lao động (tăng 6,3% về số DN, và tăng 2,0% về số lao động so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, cả nước có gần 44,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong bảy tháng năm 2024 lên gần 139,5 nghìn DN, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số DN thành lập mới chủ yếu gia tăng ở khu vực công nghiệp và xây dựng, và khu vực dịch vụ...
Tính chung bảy tháng năm 2024, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 78 nghìn DN, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; hơn 35,5 nghìn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,5%; 11,9 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Khoảng cách về số DN gia nhập thị trường và DN rút lui khỏi thị trường đang tiếp tục kéo dãn (trong 6 tháng đầu năm, bình quân mỗi tháng cả nước có 19.935 DN gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 18.386 DN rút khỏi thị trường).
Sản xuất kinh doanh tiếp tục khởi sắc
Các số liệu tổng hợp cũng phải ánh tình hình sản xuất kinh doanh của các DN đang có chiều hướng tích cực. Trong tháng 7/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,7%; nhập khẩu tăng 18,5% . Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 14,08 tỷ USD.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 31,8%. Có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 9 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 70,8%). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Thị trường trong nước cũng đang sôi động với ổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%).
Thu hút vốn đầu tư trong bảy tháng đầu năm 2024 tăng cao, phản ánh sự phục hồi của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, vốn FDI đăng ký mới tăng cao so với cùng kỳ năm trước, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam bảy tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bảy tháng trong 5 năm qua. Trong đó: công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,98 tỷ USD (chiếm 79,5% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện); hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,14 tỷ USD (chiếm 9,1%); sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 481,1 triệu USD (chiếm 3,8%).
Vốn đầu tư từ nguồn NSNN ước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng 7/2024 ước tăng 8,2% so với tháng trước; tính chung bảy tháng năm 2024 ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam bảy tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước..
Đồng thời, kinh tế tăng trưởng khởi sắc đã tác động tích cực đến thu NSNN. Tổng thu NSNN tháng 7/2024 ước đạt gần 150 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu NSNN bảy tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi NSNN ước tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Thái An