Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); sau 2 năm triển khai, đến nay, BHXH Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật.
Theo đó, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Tổ công tác Chính phủ triển khai Đề án 06, đặc biệt là Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các Bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; để tạo sự thống nhất, đồng bộ, thực hiện kịp thời, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp triển khai Đề án 06, Tổ công tác BHXH Việt Nam triển hai Đề án 06 đã tham mưu cho Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam, Lãnh đạo BHXH Việt Nam ban hành 152 văn bản, gồm: Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch và các văn bản tổ chức triển khai, các quyết định ban hành quy trình nghiệp vụ, dịch vụ công (DVC) trực tuyến; BHXH Việt Nam và các đơn vị trực thuộc cũng đã tham gia ý kiến vào các văn bản dự thảo triển khai Đề án. Đồng thời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 06.
Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Tổ công tác BHXH Việt Nam đã họp để kiểm điểm, đánh giá tình hình triển khai, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; báo cáo đầy đủ tình hình, kết quả triển khai Đề án 06 theo đúng yêu cầu của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Kết quả, thực hiện nhiệm vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với CSDL quốc gia về bảo hiểm: Tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn 95 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý, trong đó có khoảng 86,6 triệu người đang tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN, chiếm 97% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội) với CSDL quốc gia về dân cư.
Triển khai sử dụng CCCD, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNeID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT theo Đề án 06, đến nay 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip (đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD), với hơn 55 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng số định danh cá nhân/CCCD thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT.
Với việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD, người bệnh BHYT chỉ cần sử dụng CCCD để làm thủ tục KCB, giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian cho cả người bệnh và cán bộ y tế, cơ quan BHXH cũng tiết kiệm được chi phí in ấn và phát hành thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình, ban hành DVC, tích hợp, cung cấp DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC quốc gia từ tháng 7/2022. Hiện nay, DVC này đã được tích hợp chung vào DVC “Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT”.
Thực hiện nhiệm vụ Liên thông đăng ký khai sinh-đăng ký thường trú-cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử- xóa đăng ký thường trú-Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng. Tính đến nay, BHXH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận 415.024 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; trong đó đã xử lý 412.746 (99%), đang xử lý 2.278 (1%). Với việc triển khai thủ tục hành chính liên thông, BHXH Việt Nam rút ngắn thời gian thời gian chờ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày. Tiếp nhận 5.526 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí, trong đó, đã xử lý 5.347 (97%), đang xử lý 179 (3%). Với việc triển khai liên thông thủ tục hành chính này giúp rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
BHXH Việt Nam đã và đang duy trì Tổ hỗ trợ triển khai 2 nhóm TTHC liên thông (được thành lập từ khi triển khai làm điểm tại Hà Nội và Hà Nam) để thường xuyên theo dõi, hỗ trợ, cung cấp thông tin về tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của 2 nhóm TTHC cho BHXH các tỉnh, thành phố kịp thời nắm bắt thông tin, chỉ đạo, đôn đốc các bộ phận nghiệp vụ trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, hạn chế tối đa tình trạng xử lý hồ sơ chậm, muộn.
Phối hợp thực hiện nhiệm vụ Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BH thất nghiệp cho 320.562 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ.
BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc tích hợp cung cấp 3 DVC trực tuyến: Đăng ký tham gia đóng BHXH tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT; Giải quyết hưởng BHXH một lần theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ lên Cổng DVC quốc gia, tính đến nay, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 5.294 giao dịch đăng ký, đóng BHXH tự nguyện; tiếp nhận và xử lý 36.560 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT, gia hạn thẻ BHYT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06 năm 2022, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN . BHXH Việt Nam đã nâng cấp, điều chỉnh Cổng tiếp nhận (thuộc Hệ thống Giám định BHYT) và Phần mềm Tiếp nhận và quản lý hồ sơ để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc; đã triển khai thí điểm tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc trong KCB BHYT tại Quảng Bình và Hà Nội, triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa, Hà Nội.
Việc triển khai KCB BHYT bằng CCCD gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH; việc triển khai ứng dụng xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC còn giúp cơ quan BHXH đảm bảo xác thực được thẻ CCCD thật/giả, xác thực danh tính của người dân khi đến nộp và giải quyết hồ sơ (nhất là các hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH, đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần có số tiền chi trả tương đối lớn...); phát hiện kịp thời và hạn chế tình trạng gian lận, giả mạo giấy tờ tùy thân để trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Trong phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử (SKĐT), BHXH Việt Nam đang cung cấp thử nghiệm API chia sẻ thông tin mà BHXH Việt Nam hiện có theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT cho Bộ Công an (thông qua Cục C06) để cung cấp lên ứng dụng VNeID. kiến nghị Bộ Y tế xây dựng lộ trình triển khai, đối tượng khai thác dữ liệu theo Quyết định số 3074/QĐ-BYT để các đơn vị liên quan có cơ sở thực hiện; đôn đốc tất cả các cơ sở KCB cung cấp đầy đủ dữ liệu theo các trường thông tin được quy định tại Quyết định số 3074/QĐ-BYT lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam đã xây dựng API kết nối 29 trường thông tin có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm để thử nghiệm cung cấp lên ứng dụng VNeID.
Ngày 3/10/2023, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3190/BHXH-CNTT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân về việc thí điểm việc gửi và nhận dữ liệu điện tử theo định dạng của các Bảng chỉ tiêu dữ liệu quy định tại Điều 1 Quyết định số 130/QĐ-BYT. Sau hơn 2 tháng triển khai, Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống Thông tin giám định BHYT mới tiếp nhận dữ liệu kiểm thử của 1.467/12.846 cơ sở KCB BHYT (đạt tỷ lệ 11%), trong đó chỉ có 760 cơ sở KCB BHYT (đạt 5%) đã gửi dữ liệu thành công theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam còn phối hợp, hỗ trợ Bộ Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử, Đến nay, trên toàn quốc có 1.183 cơ sở KCB đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 1.596.786 dữ liệu được gửi; có 1.500 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 734.612 dữ liệu được gửi; 540 cơ sở KCB gửi dữ liệu giấy báo tử, với 7.112 dữ liệu được gửi. Ngoài ra, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc tái cấu trúc quy trình, ban hành các quyết định, công bố các TTHC liên quan đến nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, xác nhận thông tin tại nơi cư trú thuộc trách nhiệm của BHXH Việt Nam…
Năm 2024, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 362-NQ/BCS ngày 12/5/2023 của Ban cán sự đảng BHXH Việt Nam về việc tăng cường thực hiện Đề án 06; Quyết định số 1177/QĐ-BHXH ngày 11/8/2023 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Chính phủ triển khai Đề án 06.
Trong đó, tiếp tục triển khai 2 nhóm TTHC liên thông, đồng thời hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ, kiểm tra, đôn đốc BHXH cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo việc triển khai được hiệu quả, thực chất, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về 2 nhóm TTHC liên thông.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với ngành Công an rà soát, cập nhật, xác thực thông tin người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư, đảm bảo 100% người tham gia được xác thực thông tin với CSDL quốc gia về dân cư, bao gồm cả người tham gia phát sinh mới trong năm 2024.
Tiếp tục triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy, gắn việc số hóa với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính; không yêu cầu người dân, DN cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo đúng quy định. Rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, được khai thác từ CSDL quốc gia về dân cư.
Điều chỉnh, nâng cấp phần mềm, trang bị giải pháp xác thực thông tin sinh trắc trên CCCD gắn chip để mở rộng triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của ngành BHXH Việt Nam. Đẩy mạnh việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu ứng dụng CCCD gắn chip trong chi trả các chế độ BHXH.
Kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành phục vụ công tác quản lý và cung cấp DVC trực tuyến, đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục triển khai kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia để triển khai sử dụng tài khoản định danh do Bộ Công an cấp đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, như: Dữ liệu lớn (BigData), trí tuệ nhân tạo (AI), đám mây (Cloud) để quản lý, phân tích, khai thác dữ liệu, giúp nâng cao hiệu quả quản lý dựa trên dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định cho các cấp lãnh đạo…
Hà Thủy