Kỳ An sinh xã hội- ấn phẩm của Tạp chí BHXH số ra ngày 16/11/2023 có bài “Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam: Nợ lương, chậm đóng BHXH kéo dài”. Nội dung bài viết phản ánh, do bị nợ tiền lương và chậm đóng BHXH, BHYT, nên hơn 100 cán bộ, giảng viên tại trường này đang hết sức khó khăn. Sau khi Tạp chí BHXH lên tiếng phản ánh, ngày 15/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo khẩn trương giải quyết vụ việc.
Giảng viên sẽ ngừng dạy cho đến khi nhận được quyền lợi
Ngày 14/12, một giảng viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thông tin cho phóng viên Tạp chí BHXH biết, 17 cán bộ, giảng viên của Khoa Y tế cơ sở và Khoa Điều dưỡng (Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam) vừa gửi văn bản thông báo đến lãnh đạo nhà trường về việc sẽ ngừng tham gia giảng dạy từ ngày 18/12 cho đến khi nhận được quyền lợi.
Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang nợ lương, chậm đóng BHXH kéo dài
Nội dung văn bản gửi lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam ghi rõ, cho đến nay đã 6 tháng, nhưng Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam vẫn chưa giải quyết lương và phụ cấp; cũng như chưa tham gia BHXH cho cán bộ, giảng viên khiến đời sống của nhiều người rất khó khăn, không đủ khả năng để tiếp tục công việc và duy trì cuộc sống.
“Trong 6 tháng qua, mặc dù chưa được nhận lương, phụ cấp, chế độ BHXH, BHYT, nhưng tập thể cán bộ, giảng viên trong Khoa vẫn động viên nhau để lên lớp cho sinh viên, vì không muốn gián đoạn việc học tập cũng như tư tưởng, quyền lợi được học của sinh viên”- đại diện nhóm giảng viên chia sẻ.
Cũng theo giảng viên này, trước tình trạng nợ lương, chậm đóng BHXH kéo dài, Khoa Điều dưỡng đã họp bàn và đi đến quyết định ngừng dạy cho đến khi nhà trường giải quyết chế độ tiền lương, phụ cấp, BHXH, BHYT cho cán bộ, giảng viên. “Quyết định ngừng dạy được tập thể Khoa Điều dưỡng cân nhắc, đắn đo rất kỹ. Chúng tôi gửi văn bản thông báo trước đến nhà trường để nhà trường có sự sắp xếp, bố trí công việc”- đại diện nhóm giảng viên thông tin thêm.
Trao đổi về vụ việc, ông Huỳnh Tấn Tuấn- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho biết, đây là vụ việc ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhà trường. Theo ông Tuấn, hiện nay, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang nợ 6 tháng lương của 114 người với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng. Trước đó, BV trực thuộc Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cũng đã phải đóng cửa từ giữa tháng 1/2023, trong khi còn nợ hơn 9 tháng lương (khoảng 800 triệu đồng) của 22 người.
Cũng liên quan vụ việc, ông Văn Phú Quân- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đang chậm đóng BHXH, BHYT kéo dài nhiều tháng liền. Tính đến hết tháng 10/2022, nhà trường chậm đóng BHXH của 105 NLĐ với số tiền hơn 878 triệu đồng. Việc này khiến cho cơ quan BHXH không đủ căn cứ giải quyết chế độ cho NLĐ.
Còn theo ông Trần Quốc Bảo- Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Nam, hồi đầu năm 2023- ngay khi xảy ra tình trạng chậm đóng BHXH, Công đoàn Viên chức tỉnh đã trực tiếp làm việc với Ban Giám hiệu và Công đoàn cơ sở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Trên cơ sở đó, đã có công văn kiến nghị LĐLĐ tỉnh có ý kiến đối với UBND tỉnh can thiệp giải quyết nợ lương, chậm đóng BHXH cho NLĐ. "Công đoàn Viên chức tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, phối hợp hỗ trợ NLĐ khi cần thiết"- ông Bảo chia sẻ.
Bấp bênh sống trong cảnh không lương, thẻ BHYT không còn hiệu lực…
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí BHXH, một giảng viên của Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam bức xúc cho biết: “Vì thương sinh viên, nên tập thể cán bộ, giảng viên đành phải “cắn răng, buộc bụng” đi dạy. Cứ nghĩ đến cảnh sinh viên không có người dạy và hướng dẫn, thầy cô không nỡ bỏ, nên mọi người động viên nhau đến tận hôm nay. Nghĩ rằng, trường sẽ sắp xếp chuyển lương cho cán bộ, giảng viên, nhưng đến hiện tại vẫn chỉ là... lời hứa”.
Do rơi vào cảnh cùng đường, các cán bộ, giảng viên mới phải đi đến quyết định ngừng giảng dạy; thậm chí có người bị ốm đau cũng không thể đi khám bệnh do thẻ BHYT không còn hiệu lực. Đáng nói, một số người phải vay mượn tiền để đi KCB, hoặc cầm cố sổ đỏ để lo cho cuộc sống gia đình. Được biết, tại Khoa Điều dưỡng, việc ngừng hoạt động giảng dạy sẽ ảnh hưởng tới 6 lớp gồm: D17A, D17B, D18A, D18B, Y26, D6S. Các học phần ảnh hưởng là vận động nội tiết, tâm lý-kỹ năng giao tiếp, thực hành tại trường, thực tập tại BVĐK Quảng Nam…
Sau khi nhận được thông báo ngừng giảng dạy từ cán bộ, giảng viên Khoa Điều dưỡng, ngày 15/12, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam đã họp với tập thể giảng viên để tìm hướng giải quyết. Sau cuộc họp, hai bên đã thống nhất, các cán bộ, giảng viên tiếp tục làm việc đến hết ngày 31/12.
Ông Tuấn cũng giãi bày, việc nợ lương và chậm đóng BHXH, BHYT là do dự toán kinh phí đầu năm của đơn vị "thấy không hợp lý"- khi UBND tỉnh giao chỉ tiêu bình quân sinh viên. Cụ thể, dự toán kinh phí tại trường cả năm là 8,5 tỷ đồng, thu tiền từ gần 500 sinh viên là 3 tỷ đồng (tổng hơn 11 tỷ đồng). Giảm trừ dự toán 3,8 tỷ đồng, số tiền còn lại không đủ cho chi phí trả tiền lương, tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ.
UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo khẩn
Vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam đã có Thông báo số 388 thông báo kết luận của ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam và các sở, ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua.
Ông Trần Anh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm việc với các sở, ngành liên quan và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam
Theo đó, để giúp nhà trường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và sớm đi vào ổn định, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu tập thể lãnh đạo nhà trường cũng như các sở, ngành quan tâm, tập trung nghiên cứu, tăng cường trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết một cách kịp thời.
Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nghiên cứu tình hình hoạt động và điều kiện thực tế của nhà trường hiện nay, xem xét một cách khách quan khả năng thực hiện việc khấu trừ dự toán thu nộp trả NSNN hàng năm của nhà trường. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về phương án tạm hoãn khấu trừ dự toán hàng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Bên cạnh đó, báo cáo cụ thể tình hình nợ ngân sách của trường qua từng năm; lấy ý kiến của các cấp có thẩm quyền trong việc thu hồi, giãn thời gian thu hồi, khấu trừ các khoản nợ phải nộp trả NSNN thời gian qua. Đáng chú ý là việc thu hồi 1,322 tỷ đồng do Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam cho BVĐK Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam tạm ứng chi hoạt động thường xuyên năm 2021, giảm trừ 1,944 tỷ đồng theo Quyết định số 2678 ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh... Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cũng yêu cầu Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam phải báo cáo cụ thể những tác động, khó khăn trong việc hoàn trả các khoản nợ NSNN thời gian qua; tình hình hoạt động, thu chi tài chính hiện nay; nhu cầu tài chính thiết yếu và tối thiểu để chi trả và hoạt động đến hết năm 2023 và đến năm 2025. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án xử lý, tạm hoãn khấu trừ dự toán hàng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025.
Sau khi các sở, ngành và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam có báo cáo cụ thể và đề xuất hướng xử lý, UBND tỉnh sẽ báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về phương án tạm hoãn khấu trừ dự toán hàng năm của nhà trường trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 cũng như giải pháp xử lý các tồn đọng của trường theo quy định pháp luật.
Lê Văn