Người Anh ngày càng nghèo hơn nhiều so với người Pháp do lạm phát đình trệ và tăng trưởng kinh tế yếu- đó là kết luận nghiên cứu mới vừa được tổ chức Resolution Foundation và Trung tâm hiệu suất kinh tế (CEP) thuộc trường đại học kinh tế London công bố.
Hơn một thập niên kinh tế giảm tốc đã khiến các hộ gia đình điển hình ở Anh có thu nhập ít hơn 25%, so với các hộ gia đình ngang hàng tại nhiều nước như Australia, Canada, Pháp, Đức và Hà Lan, tương đương 8.300 bảng Anh (khoảng 10.500 USD). Nếu tính theo những hộ nghèo thì con số này là 37%. Mức sống tại vương quốc này cũng giảm 3% so với đỉnh điểm năm 2020 và vẫn tiếp tục đi xuống trước khi có cơ hội phục hồi vào năm 2025.
Bản báo cáo nghiên cứu dài 300 trang ghi rõ: "Nền kinh tế Anh đã chứng kiến 15 năm giảm tốc với năng suất lao động đang ở mức thấp so với nhiều nước phát triển khác. Trong thập niên 1990 và đầu 2000, nước Anh đã bắt kịp về năng suất so với Pháp, Đức hay Mỹ. Nhưng kể từ giữa thập niên 2000, nền kinh tế bắt đầu đi xuống".
Lạm phát quá cao khiến cho mức tăng lương của người lao động tại Anh hầu như đi ngang. Theo báo cáo, suy thoái đã khiến người lao động trung bình ở Anh bị mất thu nhập 10.700 bảng Anh (khoảng 13.570 USD) mỗi năm do tốc độ tăng lương thực tế chậm, với khoảng 9 triệu lao động trẻ chưa bao giờ được làm việc trong một nền kinh tế có tăng lương trung bình ổn định.
Các nhà nghiên cứu đã kêu gọi giới chức Anh hành động mạnh mẽ để tăng năng suất bằng cách giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phố của Anh, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ và đầu tư công. Họ cũng đề xuất chính phủ tăng chi tiêu lên 3% GDP để thu hẹp khoảng cách về mức sống với các nước châu Âu, bắt đầu tăng nguồn tài trợ thông qua tiết kiệm trong nước và không vay mượn từ nước ngoài.
"Nếu đầu tư kinh doanh của Anh ngang bằng với mức trung bình của Pháp, Đức và Mỹ kể từ năm 2008, GDP của chúng ta sẽ cao hơn gần 4% hiện nay, tăng mức lương khoảng 1.250 bảng mỗi năm", báo cáo kết luận.
Một nghiên cứu khác của Bloomberg cũng đưa ra kết quả tương tự, theo đó năng suất lao động bình quân theo giờ của người Anh hiện đang thấp hơn 24% so với thời kỳ trước khủng hoảng 2008. Trong khi đó, tạp chí tài chính Financial Times (FT) cho hay, sản lượng bình quân giờ của Anh trong khoảng thời gian 1993-2007 tăng 33% thì con số này chỉ còn 7% trong khoảng 2007-2021.
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, mức GDP bình quân đầu người tại Anh những năm 1992-2007 tăng 46% nhưng tụt xuống còn 6% trong giai đoạn 2007-2022. Con số này chỉ cao hơn Italy khi nền kinh tế này giảm 2%, còn lại thua hầu hết các thành viên còn lại của OECD.
Theo Bloomberg, nền kinh tế Anh bắt đầu bộc lộ nhiều điểm yếu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và trở nên bấp bênh hơn nữa kể từ sau Brexit (Anh rời khỏi EU). Tiếp đến, đại dịch Covid-19 bùng phát đã khiến những điểm yếu này càng thể hiện rõ. Hàng loạt những yếu tố, trong đó có tình trạng dân số lão hóa nhanh làm xói mòn lực lượng lao động và biến động địa chính trị như Brexit hay cuộc khủng hoảng năng lượng đã ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Thâm hụt ngân sách do cứu trợ mùa dịch đã buộc chính phủ Anh phải giữ mức thuế cao kỷ lục để giải quyết nợ công ở mức gần 100% GDP. Tồi tệ hơn, lạm phát phi mã hậu COVID-19 cũng buộc chính quyền siết chặt đầu tư công và nâng lãi suất. Kết quả là tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi, khiến mức lương của lao động đi ngang và làm nhiều người nghèo hơn so với các hộ gia đình ở những quốc gia phát triển tương đương.
Hoàng Dương