Nhiều người Palestine đang tuyệt vọng chạy trốn khỏi cuộc tấn công trên bộ của Israel vốn tập trung vào khu vực ngày càng thu hẹp ở Dải Gaza, trong bối cảnh cuộc xung đột Israel-Hamas bước sang tháng thứ ba.
Hàng chục nghìn người Palesine phải rời bỏ nơi ở tại thành phố biên giới Rafah ở Nam Gaza, và Muwasi- khu vực bờ biển cằn cỗi gần đó mà Israel đã tuyên bố là vùng an toàn. Vì những nơi trú ẩn đã vượt quá sức chứa, nhiều người phải dựng lều sống chen chúc dọc con đường dẫn từ Rafah đến Muwasi trong tình trạng không có đủ thức ăn giữa thời tiết giá lạnh.
Cuối tuần trước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo hệ thống hỗ trợ nhân đạo tại Gaza đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ hoàn toàn và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Ông hối thúc cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức nhằm chấm dứt nỗi khổ mà người dân Dải Gaza đang phải chịu đựng.
Đến nay, cuộc xung đột đã khiến hơn 60% nhà cửa tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại, và khoảng 85% dân số phải di tản. Hệ thống y tế tại Gaza sụp đổ dần trong khi nhu cầu lại tăng lên. Thông tin chính thức cho biết, chỉ còn 14 trong 36 cơ sở y tế còn hoạt động.
Ông Guterres dẫn cảnh báo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) về nguy cơ xảy ra nạn đói nghiêm trọng tại Gaza. Tại phía Bắc Gaza, 97% hộ gia đình không có đủ thức ăn, trong khi ở phía Nam, tỷ lệ này trong số những người phải rời bỏ nhà cửa là 83%.
"Không có đủ thực phẩm. Mọi người đang chết đói", Phó Giám đốc WFP Carl Skau phản ánh thực tế sau chuyến thăm đến Gaza.
Trong khi đó, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp, ông Martin Griffiths, nhận định chương trình nhân đạo hiện nay tại Dải Gaza hoạt động không còn hiệu quả. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneve (Thụy Sĩ), ông Griffiths bày tỏ quan ngại khi các cuộc tấn công quân sự liên tiếp đã phá hủy các vùng an toàn từng được thiết lập, khiến các hoạt động nhân đạo bị cản trở. Theo ông, việc lên kế hoạch và triển khai vận chuyển hàng nhân đạo hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, và tình trạng thiếu an toàn có thể làm gián đoạn hoạt động của các đoàn cứu trợ, khiến họ đối mặt với nguy cơ bị tấn công và chuyển hướng.
"Áp lực lên hai triệu người dân Gaza ngày càng gia tăng khi họ bị buộc phải di chuyển xa hơn về phía Nam, không có vùng an toàn phía trước và một tương lai bất định", ông Griffiths bình luận.
Quan chức này nhấn mạnh thêm, việc Tổng thư ký Antonio Guterres kích hoạt điều 99 của Hiến chương Liên Hợp Quốc vào ngày 6/12 vừa qua cho thấy những diễn biến tại Gaza đang là mối đe dọa khẩn cấp đối với hòa bình và an ninh quốc tế.
Israel đã chỉ định al-Mawasi, một khu vực nhỏ hẹp chỉ rộng 1 km và dài 14 km trên bờ biển Địa Trung Hải, ở Nam Gaza là khu vực an toàn. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và các cơ quan cứu trợ đã gọi đó là một giải pháp được lên kế hoạch kém.
Theo thống kê do Cơ quan Y tế Palestine công bố ngày 7/12, cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kéo dài nhiều ngày qua đã khiến 17.177 người ở Gaza thiệt mạng và hơn 46.000 người khác bị thương.
Ngọc Tuấn