Ngày 18/1, BV Nhân dân Gia Định chia sẻ tới báo chí tình huống ngoạn mục cứu sống sản phụ ngưng tim nhiều lần vì thuyên tắc ối. Tỷ lệ tử vong ở sản phụ bị thuyên tắc ối hơn 70%, nên được các bác sĩ cứu sống, sản phụ may mắn này như được tái sinh.
Thuyên tắc ối là thuật ngữ chuyên môn mô tả tình trạng hệ tuần hoàn máu trong cơ thể sản phụ bị ngưng trệ, tắc mạch vì nước ối (dung dịch nuôi dưỡng bào thai) xâm nhập vào máu vì lý do nào đó. Đối với cơ thể sản phụ, nước ối với vô số vi chất trong đó khi xâm nhập máu sẽ trở thành dị nguyên khiến cơ thể bị dị ứng ở mức độ cao nhất.
Cơ chế phòng vệ trước dị nguyên là nước ối xâm nhập vào máu khiến nhiều cơ quan, bộ phận co thắt (để ngăn ngừa). Trong đó, 2 cơ quan phòng vệ mạnh nhất khiến cơ thể bị tác động nhiều nhất là phổi (ngưng phổi) và tim (ngưng tim). Trong tình huống sản phụ ở Bình Dương vừa may mắn được cứu sống hồi đầu tháng 1/2024 vừa qua, thuyên tắc ối khiến chị bị ngưng tim nhiều lần.
Chị Đ.H.N (34 tuổi, trú tỉnh Bình Dương) mang thai lần thứ 3 với thai kỳ hoàn toàn bình thường. Đến tuần thứ 40, chị nhập viện tại địa phương cư trú để sinh (mổ lấy thai vì vết mổ cũ). Khi bé gái nặng 4.300g vừa cất tiếng khóc chào đời thì sản phụ N. đột ngột ngưng tim ngưng thở. May mắn thay, kíp gây mê hồi sức tại đây đã cấp cứu thành công, hóa giải tình trạng ngưng tim của sản phụ.
Song, với kinh nghiệm và trực giác nhạy bén của vị trưởng khoa sản, cơ sở y tế địa phương ngay sau đó chuyển thẳng chị N. tới BV Nhân dân Gia Định vì nghi ngờ thuyên tắc ối. Không kịp liên hệ trước vì để tận dụng thời gian, nên xe cấp cứu còn cỡ 5km nữa thì y tế địa phương mới gọi có thời gian gọi báo Phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định. Vừa nhận tin xong là đơn vị này ấn luôn báo động đỏ nội viện.
Sản phụ N. vừa nhập cấp cứu BV Nhân dân Gia Định thì ngưng tim lần 2, chảy máu âm đạo đỏ tươi liên tục... Các chuyên gia sản khoa thực hiện ngay CTA (chụp cắt lớp có mạch máu). Chỉ trong vòng 15 phút, các chuyên gia đã xác định rõ sản phụ N. bị thuyên tắc ối dẫn tới ngưng tim. Vậy là các hành động tiếp theo sẽ dựa trên chẩn đoán này.
Tại khoa Hồi sức tim mạch, sản phụ N. bị tụt huyết áp nặng, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, thở co kéo nhiều mặc dù đã được thông khí xâm lấn. Siêu âm tim tại giường ghi nhận suy chức năng thất phải nặng. Tình trạng xuất huyết âm đạo đỏ tươi tiếp tục diễn tiến. Cả kíp gần 10 bác sĩ hồi sức tim mạch và sản khoa đã phối hợp vừa phẫu thuật đặt VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) nhằm ổn định choáng tim, vừa đặt bóng chèn tử cung để hạn chế băng huyết sau sanh.
Khi vừa ổn định choáng tim do suy chức năng thất phải với VA-ECMO, sản phụ N. lại diễn tiến sang giai đoạn phù phổi cấp, vốn là bệnh sinh của thuyên tắc ối. Vậy là kíp bác sĩ phải hồi sức bệnh nhân vừa choáng tim vừa phù phổi cấp, vừa choáng mất máu và đông máu nội mạch lan tỏa... Tính tổng cộng sản phụ N. được hồi sức với 10 đơn vị hồng cầu lắng (3.500ml máu), 2.200ml huyết tương tươi, 500 ml huyết tương kết tủa lạnh và 3 khối tiểu cầu.
Sau 12 giờ hồi sức với các phương tiện chuyên sâu, bệnh nhân hồi phục tri giác hoàn toàn, ổn định sinh hiệu, hô hấp, rối loạn đông máu hồi phục và rút nội khí quản thành công, sản phụ được bảo toàn tử cung. Tình trạng choáng tim do thuyên tắc ối hồi phục sau 48 giờ và bệnh nhân được cai VA-ECMO thành công trong vòng chưa đến 72 giờ. Sản phụ N. đã may mắn được tái sinh lần nữa và xuất viện trong vòng 1 tuần sau đó.
Theo TS.BS.Bùi Chí Thương- Trưởng Khối Sản BV Nhân dân Gia Định, thuyên tắc ối cũng hiếm gặp, từ 8.000 đến 80.000 sản phụ mới gặp 1 ca. Thuyên tắc ối có thể xảy ra trước, trong và sau khi vượt cạn. Dù tỷ lệ tử vong hơn 70%, thuyên tắc ối tới nay chưa thể phòng ngừa. Ngoài ra, cả sinh thường lẫn sinh mổ đều không thoát khỏi rủi ro thuyên tắc ối. Để cơ hội cứu sống sản phụ bị thuyên tắc ối tăng cao, cách tốt nhất là giúp sản phụ tiếp cận sớm nhất cơ sở y tế đa chuyên khoa, bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị đầy đủ...
Thanh Giang