Tại Hậu Giang, nhiều mô hình về vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT đã được các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh tích cực phối hợp cùng cơ quan BHXH để thực hiện. Các giải pháp này đã phát huy hiệu quả bởi trong gia đình thì phụ nữ là “tay hòm chìa khóa”, ngoài xã hội, cộng đồng cũng tương trợ nhau rất tốt.
Ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thời gian qua, Hội LHPN huyện đã thực hiện nhiều mô hình về phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Cụ thể, là nhóm phụ nữ tiết kiệm tham gia BHYT; phát động ấp có 100% người dân tham gia BHYT; ống heo tiết kiệm để mua BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; BHYT nghĩa tình; Tổ Phụ nữ ấp tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện. Ngoài ra có các Câu lạc bộ Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT, BHXH tự nguyện; Phụ nữ tương trợ mua BHYT, Tổ Phụ nữ gây quỹ tiết kiệm mua BHYT, phối hợp thực hiện mô hình Bảo hiểm xanh, đổi rác thải nhựa lấy BHYT với mục tiêu vừa tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa, vừa tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT. Đến nay Hội LHPN huyện đã thành lập 22 tổ/câu lạc bộ phụ nữ tiết kiệm mua BHYT với 425 thành viên tham gia.
Nhiều nơi tại huyện Phụng Hiệp đã phát huy hiệu quả của các mô hình. Bà Hà Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kinh Cùng, cho biết năm 2020 Hội LHPN thị trấn đã thành lập mô hình Biến rác thải thành thẻ BHYT tại Ấp 6. Theo đó, các hội viên phân loại, thu gom vỏ chai nhựa, giấy đã qua sử dụng để bán gây quỹ, định kỳ hàng tháng đóng góp số tiền trên để mua thẻ BHYT tặng cho các thành viên trong mô hình. Nhờ đó, tất cả các chị em có hoàn cảnh khó khăn đều có thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe và Hội LHPN thị trấn đã nhân rộng mô hình này sang chi hội phụ nữ các ấp trên địa bàn.
Tại huyện Châu Thành A, Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, đã thành lập tổ phụ nữ hùn vốn mua BHYT, BHXH ở ấp 3A và 4B với từ 12-15 thành viên. Theo bà Võ Thị Hồng Hên, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Bảy Ngàn, các tổ hoạt động theo hình thức góp vốn xoay vòng, mỗi tháng hội viên góp từ 100.000- 150.000 đồng. Từ nguồn vốn có được, các thành viên sẽ họp xem xét ưu tiên cho những người đến thời điểm nối hạn BHYT, cứ thế luân phiên xoay vòng. Đồng thời, mỗi ngày mỗi chị em bỏ ống heo 10.000 đồng, để tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc người thân trong gia đình, giúp mọi người cùng có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất cũng như có lương hưu về già, không phải cậy nhờ con cháu.
Tương tự, tại huyện Châu Thành, Hội LHPN huyện đã xây dựng nhiều mô hình mang lại những kết quả tích cực như: mô hình “Phụ nữ tiết kiệm mua BHYT, BHXH tự nguyện”, tiết kiệm với các hình thức như tiền lẻ các chị đi chợ về, phân loại rác, bán rác thải nhựa. Hoặc mô hình “Phụ nữ tương trợ mua BHYT” thông qua nhóm phụ nữ tiết kiệm, tổ hùn vốn, các chị tiết kiệm gửi tiền vào nhóm, tổ khi hết hạn BHYT nếu khó khăn thì các chị rút ra tiếp tục tham gia BHYT. Ngoài ra có mô hình “Ống heo tiết kiệm mua BHXH tự nguyện”, vận động các chị tiét kiệm ít nhất mỗi ngày 10.000 đồng để tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó đã thu hút 100% hội viên phụ nữ tham gia BHYT tại thị trấn Ngã Sáu, 100% Chủ tịch hội phụ nữ tham gia BHXH tự nguyện… Hiện nay toàn huyện Châu Thành có 58 câu lạc bộ, tổ, nhóm với hơn 500 hội viên tham gia các mô hình. Bên cạnh đó, Hội LHPN các cấp còn vận động các nhà hảo tâm tặng thẻ BHYT, cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, đã vận động hơn 100 BHYT cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Ở huyện Vị Thủy, Hội LHPN xã Vị Đông đã triển khai mô hình “Ống heo tích lũy tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình” với số lượng thành viên từ 10-18 người, mức tiết kiệm đóng góp ít nhất 13 nghìn đồng/người/tháng (Mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất hằng tháng là 297.000 đồng; hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay Hội phụ nữ xã có 10 tổ phụ nữ tiết kiệm mua BHXH. Tùy vào điều kiện từng ấp, từng tổ có mức giúp nhau cho phù hợp như các chị tham gia làm gia công (gọt hạt đều, cạo chả cá thát lát…) thì các chị giúp nhau hàng tuần, mỗi tuần thu nhập từ tiền gia công các chị giúp nhau 70 nghìn đồng và sau 30 ngày đủ tiền tham gia BHXH tự nguyện…
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có trên 125 CLB, tổ, nhóm với hơn 1.750 hội viên tham gia các mô hình trên. Bên cạnh phát huy nội lực trong hội viên phụ nữ để trao thẻ BHYT cho hội viên, Hội LHPN các cấp còn vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh tặng thẻ BHYT cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với các hình thức trên, các cấp Hội đã vận động được hơn 1.700 hội viên tham gia BHXH tự nguyện, hơn 5.000 hội viên tham gia BHYT; từ đó góp phần giúp chị em ổn định cuộc sống.
Đến nay, gần 141.000 hội viên phụ nữ ở Hậu Giang đã được truyền thông khá tốt về chính sách BHXH, BHYT; qua đó nhiều chị đã tích cực lan tỏa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT, góp phần đưa chính sách đến gần với người dân. Các hình thức truyền thông được thực hiện phong phú, cấp hội phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền qua Fanpage hội LHPN các cấp, trang Zalo, Facebook, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông tại hộ gia đình…
Trà Giang