Năm 2023 nhiều DN tiếp tục giảm đơn hàng phải cắt giảm lao động đã ảnh hưởng đến công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai nhiều giải pháp, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho năm 2024.
Bám làng, bám dân tuyên truyền chính sách
Theo đoàn cán bộ và nhân viên đại lý thu xã A Ngo (huyện A Lưới) đến tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho các hộ dân là người DTTS mới thấy được nỗi vất vả khó khăn trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tại đây. Với trên 80% hộ dân sống phụ thuộc vào nương rẫy, chăn nuôi quy mô hộ gia đình nên không những không có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện mà tỷ lệ tham gia BHYT hộ gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, khi ốm đau, bệnh tật người dân không có BHYT để đi KCB, không có tiền chi trả viện phí và nhiều trường hợp đã phải tự điều trị ở nhà dẫn đến bệnh tình ngày càng nặng, nguy hiểm đến tính mạng. “Nhà có 6 người, sống phụ thuộc vào 2 sào ruộng và chăn nuôi lợn rừng, thu nhập không đủ ăn và trang trải tiền học cho 2 con, lấy đâu ra tiền mà mua BHXH, BHYT. Vẫn biết sau này già sẽ nghèo khó, khi ốm đau không có thẻ BHYT để KCB, nhưng do không có tiền nên không thể tham gia”- chị Hồ Thị Rèng chia sẻ.
Theo chia sẻ của bà Hồ Thị Mai- Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn nên việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, chính quyền địa phương cùng với cơ quan BHXH đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, tổ chức các buổi đối thoại, bám làng, bám bản để đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng, trong đó chú trọng tuyên truyền bằng tiếng dân tộc nhằm đưa chính sách an sinh của Đảng đến với đồng bào DTTS. Đơn cử, cuối tháng 11/2023, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với huyện A Lưới tổ chức buổi đối thoại, giới thiệu về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; những nội dung cơ bản về chính sách BHYT theo hộ gia đình; giới thiệu về mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi khi tham gia BHYT theo hộ gia đình và chính sách ưu việt của BHXH tự nguyện cho người dân tộc Tày, Mường, Tà Ôi... Ngay trong buổi đối thoại, đã có nhiều hộ dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Còn tại huyện Nam Đông, cùng với cán bộ BHXH thì các trưởng thôn, trưởng bản đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Đây là cách làm hiệu quả, phù hợp với tập quán sinh hoạt mang tính chất cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều. Với cách làm trên, những khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ đã được xóa bỏ. Để tuyên truyền người dân tham gia BHXH hiệu quả, BHXH huyện Nam Đông đã lựa chọn những cán bộ tuyên truyền có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán của các dân tộc trên địa bàn để tham gia tuyên truyền, vận động. Thông qua trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ giải thích cho người dân, con, cháu hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện. “Cùng với đó, chúng tôi cũng chủ động đẩy mạnh truyền thông về gương người tốt, việc tốt; cách làm hay, sáng tạo, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Qua đó, góp phần lan tỏa, phát huy tinh thần tương thân tương ái, vận động, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ những người yếu thế, khó khăn được tham gia BHXH, BHYT; cùng chung tay xây dựng hệ thống an sinh xã hội bao phủ tới người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau”- ông Nguyễn Định, Giám đốc BHXH huyện Nam Đông khẳng định.
Gần 100% người dân được thụ hưởng chính sách BHYT
Theo BHXH Thừa Thiên Huế, xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng, thời gian qua, cơ quan BHXH luôn tập trung các nguồn lực, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan; tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác truyền thông trên địa bàn, đặc biệt là truyền thông bằng tiếng dân tộc cho người DTTS tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới. Theo đó, nội dung, hình thức truyền thông được đổi mới theo hướng đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm người, vùng miền; tiến hành thường xuyên, liên tục, tạo sự đồng thuận và lan tỏa truyền cảm hứng như: đối thoại, tư vấn trực tiếp, mạng xã hội; các hội nghị được tổ chức tại những địa điểm, thời gian linh hoạt, phù hợp với từng bản địa dân cư và được tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng DTTS… Với những nỗ lực cố gắng, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tại Thừa Thiên Huế đã đạt những kết quả tích cực. Cụ thể, số người tham gia BHXH bắt buộc hơn 128.000 người, đạt 97,43% kế hoạch giao; số người tham gia BHXH tự nguyện 19.950 người, đạt gần 81%; hơn 119.800 người tham gia BH thất nghiệp, đạt 97,37%; 1.163.000 người tham gia BHYT và đạt tỷ lệ 99,85% dân số tham gia BHYT.
Tuy nhiên, nhiều DN lớn tại Thừa Thiên Huế, trong đó chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động với số lượng lớn. Cùng với đó, một số lượng lớn lao động đi vào các tỉnh, thành phố phía Nam làm việc... dẫn đến giảm số lao động tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp. Chính vì vậy, trong năm 2024 này, để các chỉ tiêu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp gắn với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông một cách hiệu quả, sâu rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, tổ chức các hội nghị truyền thông, hội nghị khách hàng, truyền thông theo nhóm nhỏ hỗ trợ công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông theo chiến dịch, theo chủ đề, chuyên đề nhân các sự kiện lớn để tạo hiệu quả đồng bộ, góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội và ý thức tự giác chấp hành, tham gia BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cơ quan BHXH chủ động tham mưu BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh chỉ đạo, thực hiện các nội dung công tác BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thường xuyên tổ chức các buổi làm việc của tổ thu nợ liên ngành để triển khai thực hiện nhiệm vụ, đạt kết quả đề ra. “Một nhiệm vụ quan trọng nữa là tập trung rà soát các nhóm đối tượng tiềm năng chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để triển khai các giải pháp khai thác, phát triển người tham gia; phối hợp với tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng, ra quân tuyên truyền tại các cụm dân cư, từng nhà dân để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT. Đồng thời, phối hợp vận động thân nhân của công chức, viên chức các sở, ban, ngành tham gia BHXH tự nguyện”- bà Bùi Thị Thu Lý, Phó Giám đốc BHXH tỉnh chia sẻ.
Nguyệt Hà