Chiều 8/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 29, cho ý kiến về các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội. Theo kế hoạch, Phiên họp diễn ra trong 2 ngày 8-9/1/2024.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên họp thứ 29 là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2024, với nội dung trọng tâm là cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 15/1 tới. Trong 1,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung: Việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG; xem xét việc giải thích quy định tại Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét một số nội dung về tài chính, ngân sách: Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV và xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Sau phát biểu khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về: Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG; việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn; việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Dự thảo Nghị quyết đề xuất 8 cơ chế đặc thù gồm: Phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên NSNN hàng năm; điều chỉnh dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm của Chương trình MTQG; cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành quy định về TTHC trong lựa chọn dự án phát triển; sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hoá phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội; thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG; giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, đầu tư vốn hàng năm đối với dự án đầu tư quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp.
Trong đó, về cơ chế phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù: Quốc hội quyết định phân bổ dự toán; Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên ngân sách Trung ương hằng năm thực hiện từng Chương trình MTQG cho các địa phương theo tổng kinh phí từng Chương trình. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ hàng năm của từng Chương trình MTQG chi tiết đến dự án thành phần.
Về cơ chế điều chỉnh dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm của Chương trình MTQG, Chính phủ đề xuất cho phép HĐND cấp tỉnh được điều chỉnh dự toán ngân sách Trung ương hỗ trợ năm 2024 và dự toán các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài sang năm 2024 theo nguyên tắc không vượt quá tổng dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao. UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền phân cấp, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn của các năm 2021, 2022, 2023 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2024 trong tổng mức vốn đã được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch.
Về cơ chế sử dụng NSNN trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hoá phục vụ hoạt động phát triển sản xuất, Chính phủ đề xuất quy định chủ dự án phát triển sản xuất (DN, HTX, liên hiệp HTX, người dân) khi được giao thực hiện việc mua sắm hàng hóa từ nguồn vốn hỗ trợ của NSNN cũng được tự quyết định phương thức mua sắm hàng hoá thuộc nội dung dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (không bắt buộc thực hiện đấu thầu trong mua sắm hàng hoá). Các trường hợp cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc mua sắm hàng hoá và bàn giao lại cho chủ dự án hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất phải thực hiện đấu thầu mua sắm hàng hoá theo quy định Luật Đấu thầu…
Phát biểu tại Phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình với việc Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo với Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ các Chương trình MTQG theo đề xuất của Đoàn giám sát của Quốc hội. Đồng thời, bà Thanh đề nghị chọn lọc các cơ chế, chính sách thiết thực và cần thiết, rà soát kỹ lưỡng các nội dung quy định để khi Nghị quyết được ban hành có thể thực hiện được ngay, đảm bảo đúng mục tiêu là tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các Chương trình đạt được theo yêu cầu.
Khẳng định sự cần thiết của Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không được trái với những chủ trương, đường lối của Đảng; phải phù hợp với Hiến pháp, các thỏa thuận quốc tế. Đối với việc phân cấp cho cấp huyện, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT tham mưu cho Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp phân cấp cho cấp huyện chưa phát huy tác dụng ngay hoặc giúp ích cho quá trình xây dựng nội dung Chương trình của thời gian tới, thì sẽ quy định trong Nghị quyết của Quốc hội khi phê chuẩn các Chương trình MTQG của giai đoạn tới. Trường hợp giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa có tác dụng là chủ trương chính thức hóa để cho các cơ quan của Chính phủ khi xây dựng chương trình mới có căn cứ triển khai.
Vũ Thu