Nội các Thái Lan vừa phê duyệt chương trình phát tiền cho hơn 14 triệu người dân nước này chi tiêu, nhằm kích thích nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á.
Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết, bắt đầu từ ngày 25/9, chính phủ Thái Lan sẽ chuyển 145,6 tỷ baht (gần 4,4 tỷ USD) cho 14,6 triệu dân, tương đương mỗi người trong nhóm này nhận được 10.000 baht.
Tại cuộc họp báo sau cuộc họp Nội các ngày 17/9, Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira nói rằng nhóm được thụ hưởng bao gồm 12,4 triệu người sở hữu thẻ phúc lợi nhà nước và 2,15 triệu người khuyết tật. Ông cho biết thêm, nguồn vốn cho khoản tiền này sẽ đến từ ngân sách bổ sung 122 tỷ baht và một phần ngân sách hàng năm cho năm tài khóa kết thúc vào tháng 9.
Gói kích thích 145,6 tỷ baht là trọng tâm trong nỗ lực của tân Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhằm phục hồi nền kinh tế Thái Lan. Đất nước này đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 2%/năm trong thập niên qua, chưa bằng một nửa tốc độ của nước láng giềng Indonesia. Chính phủ của bà Paetongtarn phải đối mặt với thách thức lớn trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng một nền kinh tế đang bị kìm hãm bởi nợ hộ gia đình gần chạm mức kỷ lục, dòng sản phẩm giá rẻ đến từ Trung Quốc và hàng xuất khẩu suy yếu.
Trong bối cảnh như vậy, khoản trợ cấp tiền mặt được xem như một "liều thuốc kích thích" cấp bách cho nền kinh tế Thái Lan, dự kiến giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế của Thái Lan lên thêm 0,35 điểm % trong năm nay. Tuy vậy, số tiền này vẫn khiêm tốn so với cam kết cấp tổng cộng 560 tỷ baht cho khoảng 45 triệu người trưởng thành thông qua chương trình có tên Ví điện tử của cựu Thủ tướng Srettha Thavisin, người bị bãi nhiệm hồi tháng 8. Theo chương trình Ví điện tử, tất cả công dân Thái Lan trên 16 tuổi sẽ được nhận 10.000 baht mỗi người để mua sắm, sử dụng một số hàng hóa, dịch vụ đặc thù tại địa phương trong khoảng thời gian nhất định.
Theo Bí thư thường trực Bộ Tài chính Thái Lan Lavaron Sangsnit, trong thời gian từ ngày 1/8- 15/9 đã có 36 triệu người đăng ký tham gia chương trình Ví điện tử để được nhận hỗ trợ 10.000 baht/người. Con số này thấp hơn nhiều so với con số 45 triệu người mà Bộ dự kiến trước đó.
Bộ trưởng Pichai cho biết, giai đoạn thứ hai sẽ dành cho những trường hợp đăng ký chương trình Ví điện tử nhưng không thuộc nhóm được nhận tiền trong tháng 9 này. Tuy nhiên, ông không đưa ra khung thời gian cụ thể.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm quy mô giải ngân so với kế hoạch ban đầu đã phần nào giảm bớt lo ngại về tác động lạm phát đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của biện pháp này vẫn còn phải chờ đợi để đánh giá.
Trong một động thái đáng chú ý khác, Thủ tướng Paetongtarn sẽ đích thân làm Chủ tịch một ủy ban mới để giám sát các sáng kiến kích thích kinh tế.
Trước đó, hôm 12/9, khi phát biểu trước Quốc hội Thái Lan định hướng chính sách của chính phủ trong thời gian tới, bà Paetongtarn khẳng định bà sẽ tiếp tục kế hoạch của người tiền nhiệm nhằm giải quyết những khó khăn kinh tế của đất nước, thúc đẩy sự bình đẳng về kinh tế và xã hội cho người dân Thái Lan. Nữ Thủ tướng xác định 9 thách thức mà Thái Lan phải đối mặt, đồng thời phác thảo hàng loạt chính sách cần thực hiện ngay lập tức, bao gồm: Tái cơ cấu toàn bộ hệ thống nợ; giảm chi phí năng lượng và các tiện ích khác; chính thức hóa các doanh nghiệp phi chính thức và nền kinh tế ngầm; kích thích nền kinh tế thông qua chương trình "ví số"; tăng thêm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp để tăng doanh thu của nông dân; xúc tiến du lịch; trấn áp tội phạm và buôn bán ma túy; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện phúc lợi xã hội cũng như thúc đẩy du lịch và đưa công nghệ mới vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ngọc Tuấn