Đối thoại là một kênh tương tác trực tiếp, tiếp nhận và giải đáp ý kiến phản ánh của NLĐ, người SDLĐ đối với chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Đồng thời, qua đây cũng giúp NLĐ, người dân nâng cao nhận thức về chính sách an sinh xã hội nói chung, BHXH nói riêng…
Gần 200 công nhân, NLĐ đang làm việc tại địa bàn huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế) vừa tham gia cuộc Đối thoại Tháng 5 cùng với các cơ quan liên quan như Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh… Tại đây, rất nhiều vấn đề đã được NLĐ nêu ra, trong đó nổi bật là nhóm các vấn đề đã, đang được đông đảo lao động của cả nước quan tâm như: Rút BHXH một lần; chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn; vấn đề lao động việc làm, chế độ trợ cấp thất nghiệp, thai sản, ốm đau... Đặc biệt, vấn đề chế độ thai sản đối với lao động nam được NLĐ nêu và được đánh giá là vấn đề hay mà không phải ai cũng nắm rõ.
Anh Nguyễn Văn Quang- Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế
Tại buổi đối thoại, anh Nguyễn Văn Quang- Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế nêu: “Điều kiện và mức độ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam như thế nào. Nhiều lao động, đoàn viên trong công ty chúng tôi muốn hiểu rõ hơn vấn đề này?”.
Nhận định vấn đề anh Quang nêu ra không phải ai cũng hiểu rõ, ông Trương Công Khả- Trưởng phòng Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, vấn đề này đã được quy định tại điểm e khoản 1, Điều 31 Luật BHXH năm 2014 là “lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con” là một trong những đối tượng hưởng chế độ thai sản. Đồng thời, cho biết thêm trong thời gian vợ sinh con, lao động nam được nghỉ để chăm vợ, con. Theo đó, lao động nam đang đóng BHXH sẽ được nghỉ từ 5 ngày, 7 ngày, 14 ngày tùy theo vợ sinh thường, sinh mổ hay sinh một lần 1 con, 2 con (hay nhiều người con hơn) và nghỉ tối đa 14 ngày.
“Lao động nam nghỉ làm những ngày này sẽ không được chấm công, không được nhận lương của công ty thì quỹ BHXH sẽ chi để trả thai sản cho những ngày đó tương ứng với số ngày chúng ta nghỉ. Điều kiện đầu tiên là nam phải là người đang đóng BHXH; còn đối với nữ (vợ) không đóng BHXH mà không được hưởng chế độ thai sản thì nam (chồng) có đóng BHXH, nam vẫn được nghỉ nếu vợ sinh. Còn nếu vợ có đóng BHXH, ngoài được hưởng 6 tháng lương nghỉ sinh theo chế độ thai sản sẽ được hưởng thêm 2 tháng lương tương ứng với 2 tháng lương cơ sở (hiện tại tháng 5/2024 là 3,6 triệu đồng). Nếu vợ không đóng BHXH mà chồng có đóng BHXH không được hưởng 2 tháng lương này nhưng người chồng có đóng BHXH ngoài số ngày nghỉ tối đa 14 ngày, chồng được hưởng thêm 2 tháng lương tương ứng mức lương cơ sở này”- ông Khả nói.
Theo ghi nhận, với những giải đáp này đã khiến đại đa số lao động tham dự cuộc đối thoại như được lần đầu nghe thấy và hiểu hơn về quyền lợi của mình. Cũng liên quan chế đội thai sản, một số NLĐ cũng nêu thắc mắc về việc lao động nữ sinh con, đã nghỉ hết số thời gian quy định của chế độ thai sản (6 tháng) thì có được xin nghỉ thêm và chính sách quy định thế nào?
“Nếu nghỉ thêm sau thời gian nghỉ sinh thì giải quyết theo chế độ nghỉ phép thông thường. Còn nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe thì tối thiểu trong năm chúng ta có 30 ngày để nghỉ, từ thai sản đến ốm đau mà cảm thấy sức khỏe của mình không được đảm bảo, sau khi chủ SDLĐ, tổ chức Công đoàn xác nhận thì vẫn được nghỉ theo chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định: 1 ngày được 30% mức lương cơ sở, thời gian 5- 7 ngày, tùy lý do”- ông Khải giải thích.
Vấn đề rút BHXH một lần cũng được NLĐ tại Huế đặt ra. Chị Võ Thị Nhi- Đoàn viên công đoàn xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) nêu: “Tôi tham gia BHXH chưa đủ 1 năm, vậy tôi có thể rút BHXH không, nếu được thì điều kiện thủ tục như thế nào?”. Trả lời vấn đề này, ông Khả cho biết, đóng BHXH dưới 1 năm thì có quyền rút BHXH một lần, sau 12 tháng kể từ ngày NLĐ không đóng nữa, không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện có quyền “rút”. Số tiền rút đóng dưới 1 năm không quá số tiền mình đã đóng. Đồng thời, cơ quan BHXH Thừa Thiên Huế đã nêu ra nhiều lý do cần hết sức cân nhắc và không nên rút BHXH một lần. Đó là hàng tháng chúng ta hoặc “ông chủ” đóng BHXH đều là tiền của chúng ta, 22% mức tiền lương đang hưởng. Mỗi năm 22% lương nhân với 12 tháng là 2,64 tháng lương mình được hưởng đóng vào quỹ BHXH (quỹ hưu trí và quỹ tử tuất). Theo quy định, đóng BHXH trước năm 2014 mỗi năm chỉ nhận được 1,5 tháng lương; từ năm 2014 đến hiện tại mỗi năm đóng nhận được 2 tháng lương. Tiền chúng ta đóng là thuộc chúng ta hay người nhà chúng ta.
Như vậy, nếu lao động nam đóng BHXH trong 20 năm, hưởng lương hưu trong 8 tháng sẽ hết, thời gian còn lại quỹ BHXH sẽ chi trả suốt đời. Đối với lao động nữ, 20 năm đóng BHXH của nữ được hưởng 45% mức lương bình quân (nam 15%). Nếu nữ 20 năm đóng BHXH thì hưởng khoảng 7 năm sẽ hết, không có lương hưu cũng không hưởng thẻ BHYT. Khi về hưu, ngoài nhận các chế độ khác đến suốt đời thì chúng ta vẫn được nhận thẻ BHYT do quỹ BHXH đóng tiền vào quỹ BHYT và thẻ BHYT hưu trí được hưởng 95% mức chi trả tại các cơ sở y tế khi đi KCB. “Lương hưu được tăng hằng năm. Trong 25 năm qua, mức lương tăng bình quân 23 lần, 7-8%/năm. Tiền gửi dài hạn tại ngân hàng lãi suất mỗi năm khoảng 5%, còn BHXH- lương hưu mỗi năm tăng 7- 8%. Có đợt tăng nhiều từ 13- 24% và tháng 7 tới, dự kiến lương hưu cũng tăng ít nhất là 7- 8% trở lên. Người cán bộ hưu trí vững tin vào vị trí của mình xã hội. Có thẻ BHYT suốt đời, không giàu sang gì nhưng hàng tháng vẫn nhận được lương hưu để chi phí cho sinh hoạt, hiếu hỷ, tình cảm qua lại bà con xóm làng... không phải phụ thuộc vào con cái”- ông Khả chia sẻ.
Tham gia đối thoại nhiều, ông Trương Công Khả cho biết, trong các cuộc đối thoại, chỉ có NLĐ trong các DN đề cập đến vấn đề rút BHXH một lần, còn các cán bộ, NLĐ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp không hề đề cập vấn đề này. Điều này do lao động trong các KCN ít có điều kiện đối thoại với BHXH nên họ chưa biết rõ về bản chất, tính chất của quỹ BHXH mà mình tham gia, còn NLĐ trong các cơ quan, tổ chức hành chính sự nghiệp, trong các tổ chức công đoàn biết rõ vấn đề này. Đa phần biết là quỹ BHXH là đóng cho bản thân mình, cho gia đình mình.
Hiện nay có vấn đề hiệu ứng đám đông về rút BHXH một lần mà không hiểu hết những quyền lợi hay sự thiệt thòi gắn liền trong đó. Đáng chú ý, qua thống kê có 84% người đề xuất nhận BHXH một lần là những người dưới 40 tuổi- trên mức tuổi này tỷ lệ rất thấp. NLĐ đóng BHXH bao nhiêu đều được ghi vào sổ, kể cả khi đóng 3 tháng rồi ngưng, vài năm sau mới đóng lại, thì 3 tháng đó vẫn còn, thậm chí 1 tháng đóng vẫn bảo lưu và nhiều năm sau người đóng BHXH nhận lại số tiền đó đều có tính đến hệ số trượt giá theo quy định của Chính phủ do sự đầu tư tăng trưởng của quỹ BHXH. Nếu NLĐ có “nằm xuống” thì người nhà vẫn có thể nhận 3 tháng đó như NLĐ nhận một lần, hưởng các chế độ, quyền lợi kèm theo như mai táng phí (hiện nay là 10 tháng lương cơ sở). Nếu chúng ta rút BHXH một lần rồi, thì những chế độ đó không còn nữa, mai táng phí cũng không được hưởng”- ông Khả nêu.
Nguyệt Hà