Ngày 13/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6/2024. Tại Phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật và báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi)…
Theo đó, 3 dự án luật được Chính phủ cho ý kiến gồm: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, 3 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Dữ liệu; Luật Phòng bệnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Đáng chú ý, về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các đại biểu thảo luận về những nội dung như: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi quyền lợi BHYT phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ BHYT và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; các quy định về BHYT có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật KCB và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và KCB BHYT; về phân bổ sử dụng quỹ BHYT hiệu quả…
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình; nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến của Thường trực Chính phủ, thành viên Chính phủ để chỉnh lý, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật nêu trên.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, hàm ý chuyên môn cao, có chất lượng của các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự phiên họp; yêu cầu các bộ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện các đề nghị xây dựng luật, dự án luật theo Nghị quyết phiên họp của Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng giao các Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 6 nội dung quan trọng này. Đồng thời chỉ rõ, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phải bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, bám sát, thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng; các quy định cần sát thực tiễn, khả thi, đi vào cuộc sống, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các vấn đề đột xuất, phát sinh.
Đặc biệt, để xây dựng các luật được hiệu quả và khả thi, cần chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đối tượng tác động, người dân, DN, nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn; bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và liên tục của hệ thống pháp luật, nhất là quy định rõ nguyên tắc áp dụng và điều khoản chuyển tiếp.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế. Theo đó, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc này với quan điểm “thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực; đầu tư cho nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển; việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách góp phần huy động nguồn lực cho sự phát triển”.
Cũng theo Thủ tướng, tình hình hiện nay diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp, chưa phù hợp với thực tiễn. Do đó, phải luôn rà soát, sơ kết, tổng kết cơ chế, chính sách. Những vấn đề đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì luật hóa, tiếp tục thực hiện. Những vấn đề chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng chưa theo kịp thực tiễn, bị thực tiễn vượt qua thì sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao tính sáng tạo, đổi mới, chủ động của các cấp, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh, giảm phiền hà sách nhiễu, đi lại, chi phí tuân thủ cho người dân và DN, cương quyết loại bỏ cơ chế “xin-cho” là môi trường cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Ngoài ra, tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu những nội dung phù hợp với điều kiện nước ta; tăng cường truyền thông chính sách, nhất là truyền thông trong quá trình xây dựng, ban hành pháp luật, tạo sự đồng thuận và hiệu quả trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau, cũng như với các cơ quan của Quốc hội tại giai đoạn 2 của Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở đó, thảo luận, cho ý kiến, xem xét, thông qua các dự án luật; đổi mới cách làm, tuân thủ quy định, “vừa chạy vừa xếp hàng”, không để tình trạng trình chậm; lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án luật với chất lượng tốt nhất.
PV