Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 được tổ chức tại 51 tỉnh, thành thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, ngành Y tế vừa phát động và hướng dẫn triển khai Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023. Mục tiêu của Tuần lễ là tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.
Các nội dung giáo dục sức khỏe về làm mẹ an toàn từ lâu đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chú trọng, đưa thành nội dung quan trọng của Chiến lược Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em toàn cầu. Trong đó, giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em là những mục tiêu quan trọng của ngành Y tế các quốc gia trên thế giới- thể hiện sự phát triển y học, sự quan tâm và chính sách đầu tư của các quốc gia cho ngành Y tế.
Trong 20 năm qua (từ giai đoạn 2000-2001 đến giai đoạn 2021-2022), ngành Y tế hoàn thành tốt các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Cụ thể, tử vong mẹ giảm từ 165/100.000 xuống còn 46/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 39,6‰ xuống còn 18,9‰; tử vong trẻ em dưới 1 tuổi từ 29,5‰ xuống còn 12,1‰. Nhưng tính theo khu vực, tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ em dưới 5 tuổi Việt Nam vẫn ở mức cao. Vì vậy, ngành Y tế kêu gọi toàn xã hội tiếp tục quan tâm đến chăm sóc phụ nữ mang thai, trẻ em và tích cực ủng hộ, tham gia, lan tỏa các nội dung về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em của Tuần lễ Làm mẹ an toàn 2023.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 được tổ chức tại 51 tỉnh, thành thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong Tuần lễ, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về nội dung làm mẹ an toàn. Đặt mục tiêu 100% phụ nữ mang thai, phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương, ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã và ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã được cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn. Vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về làm mẹ an toàn.
Ngành Y tế cũng đề nghị, để nâng cao hiệu quả về làm mẹ an toàn, đảm bảo sức khỏe và chất lượng sống cho bà mẹ và trẻ em, chính quyền các cấp, ban ngành, đoàn thể cùng phối hợp để góp phần lan tỏa thông tin, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng- đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi- hướng tới mục tiêu không một bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào “bị bỏ lại phía sau”.
Tùng Anh