Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh An Giang vừa đề ra 11 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay trong quý IV, nhằm hoàn thành tốt kế hoạch năm 2023.
Ngày 21/9, ông Đặng Hồng Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh An Giang cho biết, 11 nhiệm vụ này vừa được Ban Chỉ đạo tỉnh đề ra trên cơ sở giám sát việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT mới đây. Đây là những chương trình hành động rất cụ thể, thiết thực đối với Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố trong quý IV/2023.
Đoàn giám sát của Ban Chỉ đạo tỉnh làm việc tại TP.Châu Đốc
Theo đó, nhằm phát huy những kết quả đã đạt được và kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu năm 2023, Ban Chỉ đạo tỉnh An Giang yêu cầu Ban Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện quyết liệt 11 nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội tăng cường phối hợp, chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế; đồng thời rà soát, xây dựng các phương án tổ chức thực hiện chỉ tiêu BHXH, BHYT (có lộ trình, cách thức triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân).
Chỉ đạo thành viên bám sát và thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo năm 2023; thường xuyên rà soát, đôn đốc tiến độ thực hiện của các xã, phường, thị trấn theo bộ tiêu chí đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp xã có thành viên là cán bộ Văn hóa-Xã hội và cán bộ cơ quan BHXH (trước ngày 30/8/2023).
Tiếp tục giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cho các đơn vị quản lý theo tháng, quý, đặc biệt là giao chỉ tiêu gia hạn thẻ BHYT, chỉ tiêu BHXH tự nguyện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội.
Giao UBND các xã, phường, thị trấn (đặc biệt là cán bộ Văn hóa-Xã hội, cán bộ khóm, ấp, tổ dân phố) phối hợp với cơ quan BHXH và tổ chức dịch vụ thu rà soát danh sách chưa tham gia, danh sách người dân rời khỏi địa phương (đã có thẻ BHYT do An Giang cấp, do tỉnh ngoài cấp, chưa có thẻ) triển khai các giải pháp cụ thể để vận động tham gia (trước ngày 31/12/2023).
Tăng cường truyền thông trực tiếp, tổ chức hội nghị nhóm nhỏ tại địa bàn khó khăn (đồng bào dân tộc, hộ gia đình, hộ nông-lâm-ngư nghiệp...).
Các đơn vị quản lý nhà nước liên quan đến DN trên địa bàn: Thuế, Công an, LĐ-TB&XH, Tài chính-Kế hoạch, Y tế, BHXH... phối hợp tổ chức đối thoại, mời làm việc, lập biên bản các DN chưa tham gia hoặc tham gia BHXH đầy đủ cho NLĐ; đề xuất xử lý cụ thể khi có hành vi vi phạm. Hoàn thành 100% trước ngày 25/12/2023.
Duy trì nhân rộng mô hình “Ống heo tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện, BHYT”; vận động người dân có điều kiện về tài chính tham gia BHXH tự nguyện: Hội Nông dân (nông dân sản xuất giỏi); Hợp tác xã...
Tổ chức dịch vụ thu chủ động trong phối hợp tuyên truyền, vận động, chăm sóc khách hàng, thông tin về những thẻ hết hạn, số điện thoại, điểm thu.
Các cơ sở giáo dục thu tiền và lập danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo năm tài chính. Đảm bảo thẻ hết hạn hằng tháng được gia hạn lại 100%, hạn chế thấp nhất thẻ hết hạn vào tháng nghỉ Hè (tháng 6, 7, 8).
Các ngành liên quan tăng cường phối hợp xác thực số định danh, CCCD, cài đặt VNeID cho người tham gia BHXH, BHYT đạt 100% trước ngày 30/10/2023.
Theo ông Đặng Hồng Tuấn, cái hay của 11 nhiệm vụ trọng tâm này chính là chỉ ra được “nguồn” và giải pháp cho Ban Chỉ đạo cấp huyện, thị xã, thành phố để triển khai một cách có hiệu quả nhất. Từ đó, nếu quyết liệt triển khai, kỳ vọng sẽ đem lại những chuyển biến tích cực trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh thời điểm cuối năm 2023 này.
Phạm Thọ