Trong 2 ngày 21-22/9, tại TP.Hải Phòng, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đề xuất các nội dung sửa đổi Luật BHYT. Tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; 20 BHXH tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng miền, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân.
Theo báo cáo đánh giá của BHXH Việt Nam, sau quá trình thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ năm 2015 đến nay, số người tham gia BHYT tăng nhanh. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ đạt 64,6% dân số; đến hết năm 2022, số tham gia đã đạt 91,07 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số. Năm 2022, toàn quốc có 2.690 cơ sở y tế tham gia KCB BHYT; 150,5 triệu lượt KCB BHYT, tăng gần 25 triệu lượt so với năm 2021...
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại Hội thảo
Báo cáo của BHXH Việt Nam cũng đưa ra các số liệu thống kê, phân tích chi tiết tình hình chi KCB BHYT cũng như quản lý quỹ BHYT trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, theo thống kê, trong giai đoạn 2010-2014, tần suất KCB bình quân là 2,11 lượt/thẻ BHYT. Trong 2 năm 2018-2019, con số này lần lượt là 2,11 và 2,15 lượt/thẻ. Năm 2022, tổng chi KCB BHYT là 105.949 tỷ đồng, tăng 19.072 tỷ đồng so với năm trước; mức chi bình quân/lượt KCB BHYT là 704.000 đồng, mức chi bình quân/lượt điều trị nội trú là 4,3 triệu đồng, chi bình quân/lượt điều trị ngoại trú là 294.000 đồng.
Đáng chú ý, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, công tác phát triển đối tượng tham gia chưa đảm bảo tính bền vững; chính sách đóng/hỗ trợ đóng từ NSNN với một số nhóm đối tượng chưa được duy trì ổn định, có xu hướng thu hẹp, thay đổi đột ngột, tác động mạnh đến tỷ lệ bao phủ. Chi phí KCB BHYT gia tăng mạnh do điều chỉnh giá, kết cấu thêm tiền lương, tiền công vào giá dịch vụ y tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Cũng theo BHXH Việt Nam, công tác giám định BHYT đã có nhiều phát triển mang tính đột phá. Tuy nhiên, cơ quan BHXH vẫn thiếu các công cụ kiểm soát chi phí; chưa có căn cứ để đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế, chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế. Bên cạnh đó, việc thực hiện tự chủ tài chính trong bối cảnh chưa hoàn thành lộ trình tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ KCB là một trong những yếu tố dẫn đến khó khăn trong bảo vệ quyền lợi BHYT của người dân; chi trả chi phí KCB từ tiền túi của người tham gia BHYT vẫn khá cao (khoảng 43%).
Trên cơ sở báo cáo đánh giá của BHXH Việt Nam, các đại biểu đã dành thời gian nghiên cứu, trao đổi một số nội dung trong Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Trong đó, tập trung cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến các quy định về công tác giám định BHYT, bổ sung nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHYT; mức đóng, trách nhiệm đóng; trách nhiệm thực hiện BHYT của các bộ, ngành có liên quan và UBND các cấp; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật...
Ông Nguyễn Khắc Tuấn- Giám đốc BHXH tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, việc nghiên cứu, tham gia góp ý sửa đổi Luật BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Do đó, toàn Ngành cần tập trung thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, qua đó tạo sự thống nhất chung về quan điểm sửa đổi với các nội dung lớn trong Dự thảo Luật.
“BHXH Việt Nam tổ chức hội thảo với sự tham dự của đại diện từ 20 BHXH tỉnh, thành phố- đại diện cho các vùng miền, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân- với mong muốn có sự đánh giá, phân tích đa chiều. Từ đó, tổng kết thực tiễn sâu sắc, toàn diện, tạo cơ sở đề xuất, sửa đổi Luật BHYT”- Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cũng đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổng kết thực tiễn tại địa phương mình, nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung trong Dự thảo; từ đó đề xuất, góp ý sửa Luật BHYT theo hướng bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế đang đặt ra, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.
Minh Đức