Chính phủ Mỹ đang tiến gần nguy cơ bị đóng cửa, trong bối cảnh các nghị sĩ khó đạt được thỏa thuận ngân sách trước cuối tuần này do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe cánh hữu trong Đảng Cộng hòa.
Nếu Quốc hội không đồng thuận cấp kinh phí cho năm tài chính bắt đầu từ ngày 1/10, chính phủ Mỹ sẽ tê liệt, khiến các dịch vụ bị gián đoạn, hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương và hoạt động của nhiều cơ quan sẽ bị cắt giảm. Theo luật năm 2019, những nhân viên đó sẽ nhận được tiền truy lĩnh sau khi tình trạng bế tắc về tài chính được giải quyết. Trong khi đó, Tổng thống và các thành viên quốc hội vẫn làm việc và được trả lương, còn cơ quan tư pháp có thể tiếp tục hoạt động trong một thời gian giới hạn bằng cách sử dụng nguồn kinh phí có được từ hồ sơ tòa án và các khoản phí khác.
Cuộc bỏ phiếu ngân sách ở Quốc hội Mỹ thường biến thành cuộc đối đầu giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Mỗi đảng đều dựa vào kịch bản chính phủ đóng cửa để tìm kiếm sự nhượng bộ từ đối phương cho đến khi hai bên đạt được giải pháp vào phút chót. Lần này, bế tắc lại xuất phát từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD cho Ukraine.
Hôm 23/9, Tổng thống Joe Biden cho rằng một số thành viên "cực đoan" của đảng Cộng hòa phải chịu trách nhiệm. Ông thúc giục các nghị sĩ có những bước đi tức thì để ngăn kịch bản trên xảy ra.
Hạn chót để các nghị sĩ đạt thỏa thuận về dự luật chi tiêu nhằm tránh kịch bản chính phủ đóng cửa là nửa đêm 30/9 (giờ địa phương). Ngoài yếu tố thời gian gấp rút, việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đang lần lượt kiểm soát Hạ viện và Thượng viện với thế đa số sít sao càng khiến mục tiêu trên khó thành hiện thực. Các nhà lập pháp có nhiệm vụ phải thông qua 12 dự luật chi tiêu khác nhau để cấp kinh phí cho các cơ quan trong chính phủ, nhưng quá trình này rất tốn thời gian. Họ thường phải thông qua một lệnh gia hạn tạm thời để cho phép chính phủ duy trì hoạt động.
Không thể dự đoán tình trạng đóng cửa nếu xảy ra sẽ kéo dài bao lâu. Giới chuyên gia khuyến cáo sự gián đoạn trong các dịch vụ liên bang có tác động sâu rộng vì nó làm lung lay niềm tin của người dân đối với chính phủ. Các doanh nghiệp có mối liên hệ chặt chẽ với chính phủ Mỹ, chẳng hạn như các nhà thầu liên bang hoặc dịch vụ tham quan tại các công viên quốc gia, cũng có khả năng bị suy thoái. Theo Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Mỹ, ngành du lịch nước này có thể thiệt hại 140 triệu USD mỗi ngày nếu chính phủ ngừng hoạt động.
Các nhà lập pháp cũng cảnh báo chính phủ Mỹ đóng cửa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính nước này. Tập đoàn Goldman Sachs ước tính tình trạng đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế 0,2% mỗi tuần. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sẽ phục hồi khi chính phủ mở cửa trở lại.
"Một nền kinh tế hoạt động tốt cần có một chính phủ hoạt động tốt", Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo.
Kể từ năm 1976, Mỹ đã trải qua 22 lần việc thông qua ngân sách cho tài khóa mới bị chậm trễ, trong đó có 10 lần các nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời. Tuy hiên, hầu hết các lần đóng cửa lớn đều diễn ra vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Bill Clinton, khi Chủ tịch Hạ viện lúc đó là Newt Gingrich và đa số nghị sĩ Hạ viện yêu cầu cắt giảm ngân sách.
Lần đóng cửa chính phủ lâu nhất xảy ra giữa năm 2018-2019 khi Tổng thống Donald Trump lúc đó và các nghị sĩ đảng Dân chủ trong Quốc hội rơi vào bế tắc đàm phán liên quan đến yêu cầu xây dựng bức tường biên giới. Tình trạng gián đoạn đó đã kéo dài 35 ngày, xuyên suốt kỳ nghỉ lễ cuối năm. Mặc dù vậy, sự kiện năm đó cũng chỉ là đóng cửa một phần vì Quốc hội đã thông qua một số dự luật phân bổ ngân sách để tài trợ cho các cơ quan.
Hoàng Dương