Chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, không thể đảo ngược trên toàn cầu. Đây cũng là con đường bền vững và ngắn nhất để Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao.
Báo cáo của Bộ TT-TT cho thấy, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhưng đến năm 2021, Việt Nam đã đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo, Việt Nam đều đứng thứ 1. Báo cáo của Google xác định, kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, năm 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Chuyển đổi số: Xu thế tất yếu
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 đã xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia xếp thứ 29, Thái Lan xếp thứ 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm. Các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, từ 45% - 55%.
Về giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp DVC trực tuyến phục vụ người dân và DN, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay đã có bước tăng trưởng đột phá, hiện nay đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước năm 2020. Với chiếc điện thoại thông minh, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang và tiếp tục tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.
Theo Báo cáo Digital Vietnam 2024 của Datareportal, 95,7% người dân Việt Nam sở hữu điện thoại di động với 98,9% sử dụng internet qua điện thoại di động. Thời gian sử dụng internet trên điện thoại di động trung bình là 3 giờ 30 phút/ngày. Tỷ lệ người truy cập internet thông qua thiết bị di động tăng trưởng mạnh mẽ, từ 14,71% (năm 2013) đến 40,13% (năm 2020) và vượt 84% (năm 2023).
Việt Nam lần đầu tiên được xếp vào nhóm chỉ số Chính phủ điện tử ở mức rất cao khi tăng 15 bậc so với năm 2022 đứng ở vị trí 71/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Với kết quả này, Việt Nam đã vượt mục tiêu đặt ra trong năm nay về xếp hạng Chính phủ điện tử- tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 2 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết Chuyển đổi số- Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đây là những gợi mở quan trọng để khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại.
Hơn 4.400 TTHC trên cổng DVC quốc gia
Có thể nói, nếu như trước đây, với một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính có kết nối Internet, người dân đã có thể tra cứu rất nhiều thông tin ở trong nước và thế giới. Nhưng giờ đây, cũng với chiếc điện thoại hoặc máy tính ấy, người dân còn làm được những việc tưởng như không thể, từ đăng ký tạm trú, cấp hộ chiếu, đăng ký cấp biển số xe, thay thế thẻ BHYT…
Hiện nay, số thủ tục hành chính đã cung cấp DVC trực tuyến trên cổng DVC quốc gia lên tới 4.454 thủ tục, tạo điều kiện rất thuận lợi cho người dân và DN. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu đang được cả thế giới thực hiện và Việt Nam không đứng ngoài cuộc.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2022, Việt Nam được đánh giá là một trong 9 quốc gia có thu nhập dưới mức trung bình nhưng được đánh giá cao do có chỉ số tổng hợp và chỉ số dịch vụ trực tuyến cao ở mức cao.
Tỷ lệ cung cấp DVC trực tuyến đạt trên 55%, 100% người dân và DN sử dụng DVC trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt. Đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ CCCD gắn chip, kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh.
Báo cáo của Google đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023. Thanh toán số tăng 19%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán số tại khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt 87,%. Mỗi ngày có từ 20 đến 25 triệu giao dịch ngân hàng trực tuyến, bình quân 830 nghìn tỷ.
Mới đây, hai nhóm TTHC liên thông điện tử đã được triển khai là Đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất. Đây là những thủ tục sát sườn với mỗi người dân. Có thể thấy, chuyển đổi số đang đi vào mọi ngõ ngách của đời sống, đem lại nhiều lợi ích và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hà Thủy