10 cổ vật triều Nguyễn của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã được định danh và trưng bày trên không gian số. Đây là kết quả của sự phối hợp giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế (Hue CIT), Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Cổ vật của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được lựa chọn để định danh đều là cổ vật tiêu biểu và đặc trưng của triều Nguyễn như ngai vàng, kiệu, hia (đồ ngự dụng dùng trong sinh hoạt và lễ nghi); cành vàng lá ngọc (dùng để trang trí nội thất); bộ xăm hường (thú tiêu khiển); súng thần công (quân sự)… Cụ thể, cổ vật được gắn chip NFC và được định danh bằng công nghệ Nomion của Phygital Labs. Khách tham quan có thể dùng smartphone tương tác với chip NFC Nomion gắn trên cổ vật, mở ra tương tác đa chiều với toàn bộ thông tin lịch sử, nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa, ảnh 3D… của cổ vật.
Trải nghiệm công nghệ số để chiêm ngưỡng các hiện vật/bộ hiện vật lịch sử của Cố đô Huế
Đặc biệt, không gian số này đã tích hợp Apple Vision Pro, đón đầu làn sóng công nghệ thực tế mở rộng (XR - Extended Reality) tiên phong bởi Apple và Meta. Công nghệ của Phygital Labs là “cầu nối” đưa cổ vật đang được lưu giữ và trưng bày đến với không gian số, hỗ trợ trong công tác số hóa, lưu giữ, phát huy giá trị cổ vật nói riêng và di sản của triều Nguyễn, văn hoá Huế nói chung. Như vậy, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố cố Huế và Phygital Labs sẽ hướng đến cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng Metaverse, quảng bá Việt Nam thông qua các di sản đến khách tham quan toàn cầu, đặc biệt là hơn 20 triệu người đang sở hữu các thiết bị như Apple Vision Pro và Meta Quest trên thế giới.
Điện Long An tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế được thành lập vào năm 1923, được xem là bảo tàng về Cố đô Huế đầu tiên với khuôn viên rộng đến 6.330m2. Tổng hiện vật đang lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng là hơn 11.000 hiện vật, trong đó có rất nhiều bộ sưu tập cổ vật Huế xưa- phần lớn có xuất xứ từ nhà Nguyễn- như đồ sứ; đồ pháp lam; trang phục cung đình; ấn triện; nhạc khí dùng trong các cuộc Lễ tế; tranh; gương; đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm/cẩn… và súng thần công thời chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Ngoài ra, Bảo tàng còn có một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Champa độc đáo, đa dạng.
Ngai vàng của Hoàng đế triều Nguyễn
Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy mạnh công tác số hóa hệ thống hiện vật, vừa phục vụ lưu trữ, vừa được giới thiệu đến du khách bằng các sản phẩm công nghệ số. Cụ thể, Trung tâm đã số hóa hơn 25.000 trang tài liệu Hán Nôm; 172 hồ sơ di tích, khảo cổ, di sản; 250 ảnh sắc phong; 295 ảnh thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế; số hóa 2 công trình là điện Thái Hòa và Hiển Lâm Các; 206 hiện vật/bộ hiện vật, gồm 33 hiện vật/bộ hiện vật là bảo vật quốc gia, 173 hiện vật/bộ hiện vật khác… Gần nhất đã và đang số hóa 3D toàn bộ cổ vật, hiện vật (ước tính khoảng 10.000 hiện vật) thuộc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Tùng Anh