Theo Báo cáo về TOP10 Thành phố giàu có nhất thế giới năm 2024 của Henley& Partners- Nhà tư vấn di cư và đầu tư, năm 2023 đã có 3.400 cá nhân có giá trị ròng cao (High-Net-Worth Individual, HNWI) chuyển đến sinh sống ở Singapore.
HNWI là một người hoặc hộ gia đình có tài sản lưu động cao hơn một con số nhất định. Thuật ngữ này thường được sử dụng bởi ngành dịch vụ tài chính, phổ biến nhất là chỉ một người hoặc hộ gia đình có tài sản tài chính lưu động khoảng 1 triệu đô la.
Đứng đầu TOP10 Thành phố giàu có nhất thế giới năm 2024 là New York (Mỹ), với tài sản do người dân nắm giữ vượt quá 3 nghìn tỷ USD, cao hơn tổng tài sản của hầu hết các quốc gia thuộc Nhóm G20. Hiện New York là nơi sinh sống của 349.500 triệu phú; 744 triệu phú centi (centi-millionaire, chỉ người sở hữu khối tài sản trị giá 100 triệu USD trở lên) và 60 tỷ phú.
Vị trí thứ hai là Vùng Vịnh Bắc California (Mỹ), bao gồm TP.San Francisco và Thung lũng Silicon. Khu vực này chứng kiến số lượng triệu phú tăng 82% trong thập kỷ qua và hiện là nơi sinh sống của 305.700 triệu phú; 675 triệu phú centi và 68 tỷ phú. Tokyo (Nhật Bản)- từng dẫn đầu TOP10 Thành phố giàu có nhất thế giới cách đây một thập kỷ, đã chứng kiến sự sụt giảm 5% số lượng HNWI trong cùng khoảng thời gian 10 năm và hiện đứng ở vị trí thứ ba với 298.300 triệu phú; 267 triệu phú centi và 14 tỷ phú.
Đặc biệt, Singapore- những năm gần đây được coi là thành phố thân thiện nhất với DN toàn cầu- hiện là nơi sinh sống của 244.800 triệu phú là thường trú nhân hoặc cá nhân có tài sản có thể đầu tư từ 1 triệu USD (1,35 triệu đô la Singapore) trở lên; 336 triệu phú centi với tài sản có thể đầu tư 100 triệu USD trở lên và 30 tỷ phú có tài sản đầu tư từ 1 tỷ USD trở lên. Giai đoạn năm 2013- 2023, số lượng triệu phú Singapore tăng 64%, nhiều chuyên gia đưa ra nhận định Singapore dự kiến sẽ sớm soán ngôi Tokyo để trở thành thành phố giàu có nhất châu Á.
London (Vương quốc Anh), từng nhiều năm giữ vị trí cao nhất TOP10 Thành phố giàu có nhất thế giới, tiếp tục tụt hạng và hiện đứng ở vị trí thứ 5 với 227.000 triệu phú; 370 triệu phú centi và 35 tỷ phú- giảm 10% trong thập kỷ qua. Hong Kong tụt 4 bậc trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, xuống vị trí thứ 9 toàn cầu, với 143.400 triệu phú, 320 triệu phú centi và 35 tỷ phú. Bắc Kinh (Trung Quốc) với 125.600 triệu phú lần đầu tiên lọt vào TOP10 Thành phố giàu có nhất thế giới, sau khi số lượng triệu phú tăng 90% trong thập kỷ qua. Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Hàng Châu đều ghi nhận sự gia tăng đáng kể về số lượng triệu phú. Theo New World Wealth, Thâm Quyến là thành phố phát triển nhanh nhất thế giới dành cho HNWI, với số triệu phú bùng nổ 140% trong 10 năm qua; Hàng Châu có mức tăng 125% và Quảng Châu tăng 110% trong thập kỷ qua.
TS.Juerg Steffen, Giám đốc điều hành Henley& Partners, cho biết: “Yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng ở các thành phố giàu có nhất thế giới là hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của thị trường tài chính trong những năm gần đây. Mức tăng 24% của S&P500 trong năm ngoái, cùng với mức tăng 43% của Nasdaq và mức tăng đáng kinh ngạc 155% của Bitcoin, đã nâng cao khả năng tài chính của các nhà đầu tư giàu có. Ngoài ra, tiến bộ nhanh chóng trong trí tuệ nhân tạo (AI), robot và công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đem đến thêm cơ hội để tạo ra và tích lũy của cải.
Tại Bảng xếp hạng TOP10 Thành phố đắt đỏ nhất thế giới, theo Henley& Partners, New York (Mỹ) đứng thứ 2 sau Monaco. Giá trung bình m2 của một căn hộ cao cấp có diện tích từ 200m2-400m2 là 35.500 USD ở Monaco và 28.400 USD ở New York. London (Vương quốc Anh) đứng ở vị trí thứ 3 với giá bất động sản cao cấp trung bình là 26.500 USD/m2. Tiếp theo là Hong Kong ở vị trí thứ 4 với giá 25.800 USD/m2. Còn Singapore xếp thứ 11, với giá bất động sản trung bình thấp hơn đáng kể, ở mức khoảng 16.300 USD/m2.
Tùng Anh (Theo AsiaOne)